Giả mạo nhiều sản phẩm đã được bảo hộ
Khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt thì các hoạt động thương mại, kinh doanh, mua bán hàng hoá đang dần trở lại nhịp độ thường ngày. Kéo theo đó, các hoạt động kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng đang diễn biến vô cùng phức tạp, thậm chí có sự lợi dụng nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội để thúc đẩy các hoạt động này.
Nhằm xử lý hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tổ công tác về TMĐT thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cùng các đơn vị liên quan đồng loạt ra quân và tiến hành kiểm tra tại 6 tụ điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm thuộc quận 1 và quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh).
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV… cùng mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các chủ cơ sở kinh doanh đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa vi phạm, bao gồm hơn 20.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng hơn 800 triệu đồng.
Cùng thời điểm, hơn 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu lớn đã được bảo hộ tại Việt Nam cũng đã bị tạm giữ trong cuộc kiểm tra, kiểm soát ở các cửa hàng thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Các cuộc kiểm tra của các đội QLTT Hà Nội được thực hiện ở các cửa hàng quần áo, giày túi, ví... được định danh buôn bán các loại hàng hóa thuộc dòng luxury ở ngay giữa phố cổ Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội được coi là một địa điểm khá nhạy cảm vì lượng khách quốc tế ở đây rất lớn nên đây là địa điểm được tăng cường kiểm tra gắt gao, thường xuyên, liên tục. Kết quả, đoàn kiểm tra đã thu giữ được hơn 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu như Burrbery, Lacoste, Fendi, Nike, Adidas, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Ferragamo…
Phạt nặng kinh doanh “hàng hiệu” giá... phải chăng
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, các đợt ra quân đồng loạt nêu trên đều bắt đầu từ sự triển khai đồng bộ, phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT và ngăn chặn việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội 14 (Cục QLTT Hà Nội) cho biết, các địa điểm kiểm tra và thu giữ hàng hóa ở khu vực phố cổ Hà Nội đều là các cửa hàng đã ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại hồi đầu năm; thậm chí, nhiều cửa hàng đã bị thu giữ số lượng lớn hàng giả, hàng nhái và đã bị phạt hành chính số tiền tương đương với giá trị sản phẩm thu giữ.
Một đại diện Tổng cục QLTT cho biết, việc kiểm tra các cửa hàng buôn bán ở phố cổ vẫn được tiến hành thường xuyên. Dù đã nhiều lần bị thu giữ các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, các chủ cơ sở vẫn sẽ tìm nguồn hàng tương tự về bán tiếp vì phù hợp với túi tiền người tiêu dùng Việt Nam thích dùng hàng hiệu với giá... phải chăng.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra gắt gao hơn, tăng cường thu giữ các mặt hàng có dấu hiệu giả mạo và không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ để họ dần “ngấm đòn” thiệt hại về kinh tế. Đến lúc đó họ sẽ phải nghĩ đến chuyện chuyển dần sang hướng buôn bán mặt hàng khác theo đúng quy định của pháp luật” - đại diện Tổng cục QLTT khẳng định.
Qua đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng nhận thấy, kinh doanh các mặt hàng luxury không chỉ ở các cửa hàng “định danh là sang trọng” ở các mặt tiền phố lớn mà TMĐT cũng là một mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh các mặt hàng giả hàng hiệu này.
Do đó, Tổng cục QLTT khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, người bán, đặc biệt khi mua hàng trên Internet để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán trôi nổi. Bên cạnh đó, người dân cũng cần xây dựng ý thức “không tiêu dùng hàng giả” để các mặt hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng không còn “đất sống”.
Được biết, từ nay đến hết năm 2020, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống các đường dây, ổ nhóm tiêu thụ hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Đợt kiểm tra này được triển khai theo Quyết định số 2981 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020.