Cô gái Mường khát vọng đưa món thịt chua ra thế giới
Học hết lớp 12, Nguyễn Thị Thu Hoa lấy chồng, bỏ dở nhiều dự định. Hoa cùng 2 chị em dâu được bố mẹ chồng truyền cho nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thời điểm đó, thịt chua rất ít người biết đến, mỗi ngày chỉ bán được 20-30 hộp.
Nhưng với khát khao đưa món thịt chua lan tỏa đến bàn ăn của từng gia đình, cô gái dân tộc Mường đã nỗ lực vượt lên chính mình. Chỉ với số tiền vỏn vẹn 4 triệu đồng, Hoa mua thịt lợn, rồi tự tay chuẩn bị tất cả dụng cụ và mày mò làm món thịt chua. Trải qua nhiều lần thử nghiệm bị hỏng, cuối cùng Hoa cũng tìm ra công thức làm thịt chua có hương vị đặc trưng riêng.
Từ chỗ làm nhỏ lẻ, Hoa nghiên cứu ra phương pháp sản xuất sản phẩm hàng loạt; cũng như công thức bảo quản sản phẩm từ 10 ngày lên 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh, không cần đến chất bảo quản mà vẫn bảo đảm chất lượng. Từ bước thành công đó, Hoa đầu tư máy móc vào quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất lao động lên gấp 10 lần cách làm truyền thống.
Tháng 6/2015, Công ty Trường Foods ra đời. Với truyền thông quảng cáo, cô gái dân tộc Mường chú trọng cả 2 phương pháp tác động vào trực quan sinh động của người dùng, thông qua việc treo các biển quảng cáo Trường Foods ở các vị trí bắt mắt, cũng như lan tỏa hình ảnh sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, Youtube, sàn thương mại điện tử.
Nhờ việc nhanh nhạy tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, thịt chua của Trường Foods nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, trong năm 2021, trong khi nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa vì COVID-19, Trường Foods lại bùng nổ doanh số bán hàng. Những thành công đó đã giúp Hoa được vinh danh là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022.
“Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022 đã thực sự tạo cho tôi rất nhiều động lực, cố gắng phát triển hơn trong công việc. Trong năm 2023, tôi xây dựng xong nhà máy của Trường Foods, xây dựng dòng sản phẩm mới là nem chua, mở mới thêm hàng nghìn điểm bán hàng. Bên cạnh đó, cho ra mắt dòng sản phẩm cao cấp Con Cui làm từ thịt lợn mán”. Trường Foods đã được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp châu Á (Asia Business centre) công bố trong danh sách thương hiệu số 1 Việt Nam năm 2023.
Dịp cuối năm 2023, CEO Trường Foods đi thăm gần 30 nhà phân phối. Điều khiến nữ CEO bất ngờ là khi gặp họ, cô đều nhận được lời cảm ơn và biết ơn. “Trường Foods hợp tác với các nhà phân phối theo nguyên tắc win - win. Điều khiến tôi thực sự hạnh phúc khi nghe họ nói nhờ bắt tay phát triển thịt chua của Trường Foods mà cuộc sống gia đình họ được nâng lên. Có gia đình cả bố mẹ, con cái đều làm phân phối thịt chua”, Hoa kể.
Anh Nguyễn Ngọc Khánh (quê Thanh Sơn, Phú Thọ), là nhà phân phối của Trường Foods 8 năm nay. Anh Khánh trước đây làm nghề bán kem, cả gia đình ở thuê nhà trọ. Nay anh đã mua nhà, mua đất, mua xe, trở thành nhà phân phối xuất sắc của Trường Foods.
Mong muốn lan tỏa hơn nữa các nét đặc trưng văn hóa người Mường. Mới đây, chị Hoa đã xây dựng không gian giới thiệu văn hóa dân tộc Mường, với nhà sàn, các công cụ, sản phẩm đặc trưng dân tộc trên khuôn viên rộng gần 1.000m, lan tỏa các nét đặc trưng văn hóa dân tộc Mường đến đông đảo người dân cùng tham quan, trải nghiệm.
Tính đến tháng 9/2023, Trường Foods bán ra thị trường khoảng 2,5 triệu sản phẩm, duy trì gần 9.000 điểm bán trên khắp các tỉnh, thành. Giá trị thương hiệu công ty được định giá 40 tỷ đồng.
Trong buổi giao lưu Đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiểu biểu vừa qua, Thu Hoa nhận được nhiều câu hỏi về xây dựng thương hiệu, khởi nghiệp… “ Một ngày của tôi thường là sáng đến công ty làm việc tới chiều, tối về nhà với gia đình. Thời điểm mới khởi nghiệp, một ngày tôi có thể làm việc 13-16 tiếng, có giai đoạn tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng/ ngày, lúc nào cũng trong tâm thế đang làm việc, “ăn ngủ với thịt chua”. Sau một thời gian dài kinh doanh, giờ tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình”.
Khi nhận được câu hỏi về ý nghĩa tấm biển treo ở công ty: “Hành động đi, sai thì sẽ có bài học mà đúng thì sẽ có kết quả”, Thu Hoa cho biết, cô khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, thấy điều gì phù hợp là làm luôn không chần chừ. Vì thế, tấm biển như lời nhắc nhở với chính Thu Hoa và mọi người.
Thu Hoa bộc bạch: “Tôi thường nhận được câu hỏi từ mọi người là khởi nghiệp cần những gì? Với kinh nghiệm cá nhân của tôi, khi khởi nghiệp, điều đầu tiên là phải có tâm thế nghiêm túc. Thật ra, khởi nghiệp rất đơn giản, chỉ cần bán được sản phẩm và làm ra tiền cũng gọi là khởi nghiệp.
Nhưng điều khó khăn là khi sai, mình không quyết tâm thay đổi đến cùng thì rất dễ dừng lại. Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay, khởi nghiệp hay làm gì cũng phải tính toán, quan sát xem xã hội đang làm gì, làm như thế nào?”.
Với những thăng trầm đã trải qua, Hoa nhắn nhủ: “Với các bạn trẻ, khi muốn khởi nghiệp thì cần phải nghiêm túc với hai từ khởi nghiệp. Làm gì cũng nên đặt cái tâm của mình vào trong sản phẩm. Đặc biệt, dù có nhiều cám dỗ, nhưng các chị em phụ nữ nên tự chủ, đừng nên dựa dẫm vào ai mà hãy đi lên từ chính đôi chân của mình, dám bứt phá, dám dấn thân và dám làm.
Các bạn trẻ đừng ngại khi khởi nghiệp, hãy hành động đi! Chúng ta có thể vừa lên kế hoạch, vừa nghĩ, nhưng hãy hành động, đừng đợi, đừng sợ... Đúng thì mình sẽ có kết quả, còn sai thì mình có bài học. Ngoài ra các bạn phải luôn sáng tạo, đổi mới trong quá trình mình làm và quyết tâm làm đến cùng”…
Và tâm thế “mang chuông đi đánh xứ người”
Nguyễn Xuân Lục - Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn WATA. (Ảnh: NVCC) |
Nguyễn Xuân Lục (sinh năm 1988), hiện là Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn WATA. Công ty CP Tập đoàn WATA là đối tác uy tín của khách hàng trong và ngoài nước cho mảng sản xuất và gia công phần mềm như: Bắc Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tổng doanh thu năm 2022 của công ty đạt 49,48 tỷ đồng. Năm 2023, Công ty CP Tập đoàn WATA nộp ngân sách Nhà nước gần 1,3 tỷ đồng. Trước đó năm 2022 là 281 triệu đồng.
Nguyễn Xuân Lục cũng nằm trong Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2023. Bên cạnh đó, Lục còn được nhận danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần VII, năm 2023.
Tại buổi giao lưu trực tuyến mới đây, Lực chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình nhà giáo ở tỉnh Nghệ An. Ba tôi định hướng con cái theo nghề giáo viên. Tuy nhiên, từ nhỏ tôi yêu thích công nghệ thông tin, rất hay đọc sách về lĩnh vực này. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết định thi vào mảng công nghệ thông tin”.
Sau khi ra trường Lục “đầu quân” cho một công ty đa quốc gia. Nhờ thế, anh được mở mang kiến thức qua những trải nghiệm với các khách hàng, tập đoàn lớn. Chỉ sau 6 - 7 năm, anh quyết định khởi nghiệp.
Hiện nay, Công ty cổ phần giải pháp phần mềm WATA đã chinh phục được thị trường toàn cầu, với hơn 70% đối tác là nước ngoài... Cũng theo giám đốc Lục, trong nhiều năm qua, công ty của anh đã đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước, tham gia các hoạt động thiện nguyện và quỹ hỗ trợ trẻ em và người yếu thế, tham gia nhiều buổi chia sẻ về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, anh Lục cho hay trong kinh doanh, khởi nghiệp luôn hiện diện rất nhiều khó khăn và thử thách. Người trẻ cần vượt qua rào cản về những vấn đề như: kiến thức, kinh nghiệm, khó khăn tài chính, áp lực từ gia đình và xã hội, những thất bại cũng như thử thách trong quá trình kinh doanh…
“Thành công không đến một cách dễ dàng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, kiên trì và nỗ lực, người trẻ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của mình trong khởi nghiệp. Hãy tự tin theo đuổi lối đi riêng và tạo dựng thành công trên con đường mà bạn đã chọn”…
Dù không tiết lộ con số doanh thu chính xác, song ngay từ thời điểm khởi nghiệp (2015), doanh thu luôn tăng trưởng 200 - 350% trong suốt 5 năm. 2 năm tiếp theo (năm 2021, 2022) tăng trưởng lần lượt là 100% và 50%. Khi đó, WATA đã tự tin thâm nhập thị trường quốc tế. Hiện DN đang tập trung xây dựng nền tảng, tái cấu trúc nhân sự để tiến tới kế hoạch là một trong những công ty top đầu về công nghệ tại Việt Nam và khu vực trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Lục kể, vốn là kỹ sư công nghệ thông tin đã có kinh nghiệm làm việc ở môi trường chuyên nghiệp với các khách hàng, đối tác quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, với khao khát thay đổi cuộc đời để thoát cái nghèo tại vùng quê Nghệ An, anh đã cùng người bạn thân từ thuở nhỏ của mình khởi nghiệp.
Đơn hàng phần lớn là mối nhỏ nhận được từ những người quen. Việc tìm kiếm khách hàng cũng dần khó khăn do DN còn quá bé, vốn hóa gần như “0 đồng”. Tưởng chừng con đường khởi nghiệp phải dừng lại khi chưa tròn một năm hoạt động, thì một đối tác từ Mỹ xuất hiện - đó là một người bạn!
Đối tác mang đến ý tưởng về dự án nền tảng công nghệ để hỗ trợ các kỹ thuật viên sửa chữa và tái tạo, cung cấp dịch vụ xe ô tô cho các DN. Hệ thống có các ứng dụng giúp các kỹ thuật viên dễ dàng ước tính, lập hóa đơn, quản lý nhóm và thu thập dữ liệu từ khách hàng…
“Lúc bấy giờ, WATA dồn sức làm, xem đây là cơ hội sống còn. Tôi và đồng nghiệp làm ngày, làm đêm, quên ăn quên ngủ, lật tìm từng tài liệu, hỏi từng chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều tháng trôi qua, cuối cùng chúng tôi cũng thành công. Đó cũng là một thành công hiếm hoi mà một DN nhỏ thực hiện được”.
Đồng thời anh thông tin, nền tảng này cũng giúp đối tác gọi được vốn đầu tư 4,2 triệu USD từ tổ chức tài chính có tên tuổi của Mỹ là Silverton Partners. Đây cũng là cú hích lớn giúp WATA được thị trường Mỹ đón nhận. Họ cũng tăng thêm sự tự tin và kinh nghiệm để “mang chuông đi đánh xứ người” từ đó.
Nhờ chiến lược “mang chuông đi đánh xứ người”, sau 8 năm khởi nghiệp, hiện WATA có hàng trăm nhân sự. “Để có được ngày hôm nay, WATA luôn tìm đến sự khác biệt. Không chỉ về sức trẻ, mà DN còn hướng đến môi trường mở nhằm tăng tính sáng tạo cho nhân sự”…