Ngày 5.10, Học viên Tư pháp đã tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến ‘’Vươn tầm cao mới’’ nhằm kỷ niệm 17 năm ngày thành lập Khoa Đào tạo Luật sư (22/9/2004-2021) và hướng tới những ngày lễ lớn- ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10); Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) và ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Phát biểu tại Chương trình giao lưu trực tuyến, T.S Nguyễn Xuân Thu – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viên Tư pháp bày tỏ xúc động khi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp và khuôn khổ một chương trình trực tuyến, vốn bị giới hạn bởi nhiều yếu tố nhưng đã thu hút tới hơn 400 người tham dự, là các vị khách quý, các Luật sư, cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện trên mọi miền đất nước. Điều này đã chứng minh cho sự quan tâm, chia sẽ và tự hào về truyền thống của Khoa Đào tạo Luật sư.
Dừng đến trường không dừng giảng dạy
Tại buổi giao lưu trực tuyến, các khách mời cũng như lãnh đạo Học viện Tư pháp cùng nhìn nhận, những tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục là những thách thức to lớn cho cho các hoạt động kinh tế- xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục đào tạo nói chung và hoạt động đào tạo nghề Luật sư của Học viên Tư pháp nói riêng. Điều này đòi hỏi lãnh đạo Học viện Tư pháp và Khoa Đào tạo Luật sư phải có những giải pháp ứng phó kịp thời.
PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp kiêm Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư cho biết năm 2020-2021, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước phải tạm ngừng hoạt động, Khoa Đào tạo Luật sư là đơn vị tiên phong của Học viện chuyển đổi hình thức đào tạo từ trực tiếp sang từ xa theo phương thức trực tuyến trong những thời điểm phải giãn cách xã hội. Việc kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến là giải pháp được lãnh đạo Học viện chỉ đạo áp dụng ngay từ năm 2020. Từ giải pháp mang tính tình thế, Khoa Đào tạo Luật sư đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh hoạt động giảng dạy tập trung sang mô hình trực tuyến với sự chuẩn bị kỹ về nội dung, đa dạng về chương trình, phù hợp về phương pháp để đảm bảo cao nhất quyền lợi cho học viện.
Theo Th.S Nguyễn Trường Thiệp- Phó Giám đốc Học viện Tư pháp kiêm Trưởng cơ sở Học viện Tư pháp tại TP.HCM ngay từ đợt dịch Covid -19 đầu tiên bùng phát từ năm 2020, lãnh đạo Học viện Tư pháp đã đưa quyết tâm chính trị ‘‘học viên có thể tạm ngừng đến trường nhưng học viện sẽ không ngừng giảng dạy’’. Từ đó, Học viện Tư pháp đã từng bước chuẩn bị về công nghệ, xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo, tập huấn giảng viên, học viên… để triên khai đào tạo trực tuyến với tất cả các chương trình đào tạo. Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 8/2021, ngoài giảng dạy, Học viện Tư pháp tiếp tục áp dụng hình thức thi trực tuyến, diễn án trực tuyến. Toàn bộ quá trình, công đoạn này đều được xác lập trên các quy chuẩn, tiêu chí theo quy định.
‘‘Thực tế cho thấy, việc dạy và học trực tuyến tại các khoa, lớp của học viện không kém phần sôi nổi đồng thời cho thấy tinh thần vượt khó của học trò và giảng viên của Học viện’’, Th.s Nguyễn Trường Thiệp cho hay.
Biến khó khăn thành cơ hội
Tại buổi giao lưu trực tuyến, lãnh đạo Học viện Tư pháp khẳng định hoạt động đào tạo nghề luật sư không thể phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh mà cần phải có những giải pháp mang tính chủ động trong tình hình mới. Theo Th.S Nguyễn Trường Thiệp, trong khó khăn, phương pháp đào tạo mới trên nền tảng công nghệ áp dụng tại Học viện vừa qua đã khai phóng cho tinh thần giáo dục tại Học viện Tư pháp, kể cả đối với giảng viên và học viên: ‘’Phương thức đào tạo trực tuyến có nhiều ưu thế nếu kết hợp với phương pháp truyền thống sẽ là cách thức đào tạo trong tương lai và là hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu thế’’.
Với tư cách là ‘’thuyền trưởng’’ của Học viện Tư pháp, T.S Nguyễn Xuân Thu đã chia sẻ quan điểm của lãnh đạo Học viện Tư pháp đối với công tác đào tạo chức danh tư pháp nói chung và đào tạo nghề luật sư nói riêng tại Học viện Tư pháp thời gian tới. Năm 2021, có nhiều dấu ấn khó quên, đó là thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, cuộc chiến đấu không mệt mỏi của cả nước chống lại dịch bệnh Covid-19… Các sự kiện này cùng với những bối cảnh khác đang tác động và đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp nói chung, đào tạo nghề luật sư nói riêng. Trong đó chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII có 3 định hướng lớn tác động trực tiếp tới hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp, đó là: Định hướng về đổi mới giáo dục đào tạo; định hướng về đổi mới công tác cán bộ; Chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn với cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Thời gian tới, Học viện Tư pháp xác định tầm nhìn “Khẳng định và nâng tầm thương hiệu đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao”. Với tầm nhìn này, Học viện Tư pháp xác định đổi mới nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp, phương thức đào tạo là khâu then chốt. Khoa Đào tạo Luật sư được Lãnh đạo Học viện Tư pháp tin tưởng lựa chọn là “người lĩnh xướng” nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Năm 2022 Khoa Đào tạo Luật sư sẽ chủ trì xây dựng mới Chương trình đào tạo nghề luật sư mới với thiết kế khoa học cả về cấu trúc và nội dung. Từ đó, Chương trình đào tạo nghề luật sư sẽ là khuôn mẫu để sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo khác của Học viện Tư pháp. Các phương pháp đào tạo tiên tiến, phù hợp với chương trình đào tạo mới sẽ được sử dụng. Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục phương thức đào tạo tập trung, phương thức kết hợp giữa đào tạo tập trung và đào tạo trực tuyến như giai đoạn vừa qua, đồng thời sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình và hệ thống học liệu để áp dụng phương thức đào tạo E-learning theo đúng nghĩa. Đồng bộ với những thay đổi về chương trình, phương pháp và phương thức đào tạo nêu trên, các thành tố liên quan cũng cần thay đổi, như: chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và phục vụ đào tạo; đổi mới hệ thống học liệu; đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng công nghệ; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoạch ban hành mới thể chế nội bộ liên quan đến hoạt động đào tạo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo để phục vụ hiệu quả công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài… Xa hơn và cao hơn, Học viện Tư pháp sẽ nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đào tạo chức danh tư pháp nhằm điều chỉnh đồng bộ, thống nhất và hiệu quả công tác đào tạo chức danh tư pháp trong toàn quốc.
Khoa Đào tạo Luật sư được thành lập theo Quyết định số 295/QĐ-GĐ ngày 22/9/2004 của Giám đốc Học viện Tư pháp. Trong suốt quá trình 17 xây dựng, trưởng thành và phát triển, Khoa Đào tạo Luật sư đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của Học viện Tư pháp trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tư pháp của đất nước, giúp Học viện từng bước xây dựng, trở thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam.
Từ Chương trình bồi dưỡng nghề luật sư 4 tháng, Khoa Đào tạo Luật sư đã xây dựng và thực hiện thành công Chương trình đào tạo nghề luật sư 6 tháng, Chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng theo hình thức niên chế và hiện tại là Chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng theo hệ thống tín chỉ.
Từ năm 2019, Khoa Đào tạo Luật sư tiên phong xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đào tạo nghề Luật sư chất lượng cao, tăng cường năng lực thực hành nghề. Bên cạnh đó Khoa còn tích cực phối hợp xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và chương trình Đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.