Có ý kiến cho rằng, Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều tại Chương XVII Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung) nên được xây dựng trở thành công cụ mang tính răn đe mạnh đối với toàn xã hội.
Khó đủ đường
Tại cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập do Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức vào hôm qua - 26/10, đại diện TANDTC phản ánh, qua việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng cho thấy các điều luật của Chương XVII rất khó thực hiện. Họ cũng gặp không ít vướng mắc trong việc xác định thế nào là số lượng lớn, thế nào được coi là gây hậu quả nghiêm trọng.
Thậm chí, ý kiến đề nghị phải có định tính định lượng riêng đối với từng loại chất phát thải để cơ quan tiến hành tố tụng dễ bề xử lý. “Rõ ràng việc xác định hậu quả của tội phạm môi trường gây ra là không dễ dàng, đòi hỏi phải có sự tư vấn của các chuyên gia” - vị đại diện TANDTC nhấn mạnh.
Thành viên tổ biên tập đến từ Bộ TN&MT khẳng định, cho đến thời điểm này, hệ thống pháp luật về môi trường là tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ song thực trạng vi phạm môi trường thì vẫn thực sự đáng báo động. Việc chấp hành pháp luật của người dân cũng như việc thực thi pháp luật, kể cả các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, đều kém. Theo thành viên này, thông tư liên tịch ra đời không phải đơn giản chỉ để xử hàng loạt các vi phạm môi trường đang diễn biến ngày càng phức tạp mà phải là “công cụ” răn đe mạnh đối với toàn xã hội.
Có một thực tế nữa là cảnh sát môi trường thường than phiền, nếu cứ căn cứ vào quy định của Chương XVII BLHS rất khó cho công tác điều tra. Trong khi đó, đại diện của VKSNDTC cho rằng, trước khi xác định tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm môi trường cần có sự kiểm tra đánh giá về tình hình cũng như tác động của hành vi, chứ không thể chủ quan xác định ‘vo” được.
Băn khoăn xác định loại hậu quả
Thay mặt tổ biên tập Thông tư liên tịch, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Hồng cho biết, đối tượng bị xâm hại trực tiếp của loại tội phạm này chính là môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái. Vì vậy, hậu quả đối với môi trường là loại hậu quả đầu tiên cần được xác định khi xây dựng Thông tư liên tịch.
Bên cạnh đó, một số loại hậu quả khác có thể xảy ra do hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ra như hậu quả về tính mạng, sức khỏe của người dân, thiệt hại về kinh tế (chi phí bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Tuy nhiên, hậu quả về tính mạng, sức khỏe người dân rất khó xác định vì nó sẽ diễn ra từ từ, có thể sau 1 hoặc 2 năm, có thể sau 10 năm hoặc hơn nữa thì những hậu quả này mới xảy ra. Vì thế, những loại hậu quả nào được quy định tại dự thảo Thông tư liên tịch để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc quyết định hình phạt đang là vấn đề cần làm rõ.
“Trong trường hợp không quy định hậu quả về tính mạng, sức khỏe, kinh tế là những hậu quả trực tiếp của tội phạm về môi trường thì có thể tính tới quy định khi có hậu quả về tính mạng, sức khỏe, thiệt hại về kinh tế, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh chính, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác tương ứng quy định tại Bộ luật Hình sự hay không?”, ông Hồng đặt câu hỏi.
Đồng tình với băn khoăn của ông Hồng, một thành viên tổ biên tập phân tích, việc một DN xả nước thải tác động đến môi trường thế nào, tính toán thiệt hại tổn thất gây ra cho môi trường là rất khó và rất rộng, đấy là chưa kể đến việc phải tính cả hậu quả trước mắt và hậu quả lâu dài...
Hoàng Thư