Tính “sơ sơ”, hiện TP. Hồ Chí Minh có khoảng 250 doanh nghiệp (DN) “mất tích” đang phải thi hành án (THA) với số tiền khá lớn. Đây là thực tế mà thành phố này đã phải đối mặt nhiều năm nhưng chưa có giải pháp triệt để, khiến việc THA đối với DN trở thành tồn đọng kinh niên.
Cứ mắc nợ là “mất tích”
Năm 2010, TAND TP.HCM tuyên buộc Cty N. phải trả cho hai đối tác gần 10 tỉ đồng. Án có hiệu lực, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP thụ lý vụ việc mới biết Cty này dừng hoạt động đã lâu. Tuy nhiên, khi liên hệ với các cơ quan chức năng khác, cơ quan THA nhận được thông tin Cty N. chưa làm thủ tục giải thể hoặc phá sản. Dù vậy, THA vẫn không biết DN “giờ này nơi nao”.
Tương tự, Chi cục THADS một quận của TP.HCM ra quyết định yêu cầu Cty B. phải trả nợ cho Cty S. gần 6 tỉ đồng. Đến địa chỉ của Cty S. ghi trong bản án, chấp hành viên chỉ thấy chỉ còn… duy nhất cái biển hiệu.
Theo đại diện Chi cục THADS quận Tân Phú (TP.HCM) tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2012, chỉ tính riêng quận này đã có 45 vụ DN phải THA bỏ địa phương đi đâu không rõ.
Đây cũng là thực tế chung của ngành THADS TP. Theo Cục THADS TP, mặc dù Luật DN đã quy định trình tự, thủ tục đối với DN xin giải thể hợp pháp hoặc Luật Phá sản quy định thủ tục chặt chẽ đối với các DN trong tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, trong thực tiễn lại có những DN “mất tích” mà pháp luật không điều chỉnh. Số liệu thống kê tạm thời cho thấy tại TP. HCM có khoảng 250 doanh DN phải THA thuộc tình trạng này. Loại DN này chỉ đăng ký vốn điều lệ bằng hiện kim (không có hiện vật), khi mất tích trên thị trường đã để lại món nợ lớn phải THA. Do đó, việc THA đối với loại DN này trở thành tồn đọng, trong khi đó các thành viên sang lập DN này lại ung dung đi đăng ký thành lập Cty TNHH mới.
Cũng theo Cục THADS Tp. HCM, đối với việc THA với DN, một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có sai sót về địa chỉ cư trú, địa chỉ trụ sở DN gây khó khăn cho việc xác minh điều kiện THA. Hiện, cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân còn nhiều khiếm khuyết, gây khó khăn cho việc xác minh tài sản của người phải THA.
Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về biện pháp chế tài với DN không khai báo đầy đủ tài khoản đã mở tại các ngân hàng. Mặt khác về mặt quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước không quản lý được danh sách chủ tài khoản đang có tại các ngân hàng thương mại, nên không có đầu mối hỗ trợ các cơ quan THADS khi cần tìm kiếm chủ tài khoản phải THA.
Tăng cường hậu kiểm sau khi cấp phép
Cách đây nhiều năm, THADS TP đã áp dụng giải pháp “bêu tên” các DN chây ỳ, trốn tránh THA lên phương tiện thông tin đại chúng và website của Sở Tư pháp. Việc làm này một mặt “đánh” vào uy tín DN, mặt khác công khai để nếu nhân dân biết tin gì về DN có thể cung cấp cho THA để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, đối với nhiều DN thì “đánh” vào uy tín cũng như... đấm vào không khí mà thôi. Nhất là khi họ không còn tồn tại mà đã đi lập DN mới để “xù” nợ
Cục THADS TP. HCM đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật DN theo hướng những người thuộc hội đồng quản trị (hoặc hội đồng thành viên), thành viên sang lập, ban giám đốc, kế toán trưởng không được quyền thành lập hoặc đảm nhận các chức vụ quản lý trong DN mới nếu DN cũ chưa thực hiện xong nghĩa vụ THADS; cần tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép thành lập đối với DN; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc THA liên quan đến DN
Từ năm 2007 đến nay, TP. TP.HCM đã thực hiện miễn giảm 9246 trường hợp với số tiền miễn giảm là 18,5 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần đáng kể giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng (năm 2007 số việc THA chuyển sang kỳ sau của Tp. HCM là gần 55 ngàn việc, đến năm 2012 số này giảm xuống còn trên 30 ngàn việc) |
Bình An