Khó thi hành bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay

(PLVN) -Khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 ( Luật THADS) quy định về những Bản án, Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, việc thi hành này gặp nhiều khó khăn.

Các bản án, quyết định theo quy định bao gồm: Bản án, Quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên thực tiễn tổ chức thi hành án đối với những bản án, quyết định được thi hành ngay vẫn còn nhiều vướng mắc cần hoàn thiện.

Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định: “Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS thì những bản án, quyết định này được đưa ra thi hành ngay khi chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, theo nội dung bản án thì kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật người phải thi hành án mới phải thi hành phần lãi suất do chậm thi hành án. Do đó trong trường hợp cơ quan THADS ra quyết định thi hành án ngay khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì phần lãi suất có được đưa ra thi hành án ngay không? Nếu có thì thời điểm tính lãi suất từ thời điểm nào? Thời điểm có yêu cầu thi hành án (dù án chưa có hiệu lực pháp luật) hay thời điểm án có hiệu lực pháp luật ? Đây là một vấn đề cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Về việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành ngay: Theo khoản 5 Điều 3 Luật THADS thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án theo quy định của Luật THADS. Khoản 1 Điều 30 Luật THADS quy định: "Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án ". Theo đó, thời điểm bắt đầu thực hiện quyền yêu cầu THADS của đương sự được bắt đầu từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Cũng có thể hiểu, khi bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật thì đương sự không có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành bản án, quyết định trên thực tế. Có thể thấy việc quy định quyền yêu cầu thi hành án chỉ đặt ra khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chưa được đầy đủ, không thống nhất với quy định tương ứng của Luật THADS về đối tượng được thi hành án.

Vấn đề đặt ra là nếu như khoản 1 Điều 30 Luật THADS chỉ quy định thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền yêu cầu thi hành án là khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, đương sự có phải đợi đến thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mới được thực hiện quyền yêu cầu không?. Nếu theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS, thì đương sự có thể yêu cầu thi hành án đối với các trường hợp này không cần bản án, quyết định phát sinh hiệu lực pháp luật. Do đó, việc quy định thời hiệu yêu cầu THADS được tính từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là chưa đầy đủ. Mặt khác, mốc thời gian để tính thời hiệu yêu cầu thi hành án cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Theo quy định hiện hành, ngoài các trường hợp thông thường , thời hiệu yêu cầu thi hành án được xác định là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Điều 30 Luật THADS), Luật THADS chưa có quy định về mốc thời hạn để tính thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với những trường hợp bản án, quyết định được thi hành ngay. Do đó cần bổ sung quy định về vấn đề này để tương thích với các quy định pháp luật khác có liên quan.