Theo đó, 6 hộ dân này được giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 của Chính phủ từ những năm 1999, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất GCNQSDĐ. Đầu năm 2016, các hộ nhận được Quyết định cưỡng chế thu hồi đất dự án Tây Nam Kim Giang I của UBND huyện Thanh Trì. Trong khi đó, người dân cho biết họ không hề được Ban GPMB hoặc chính quyền tổ chức họp dân trước khi tiến hành GPMB.
Ngày 25/7/2016, UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Tân Triều đã tổ chức cưỡng chế đối với những hộ dân này trong khi nhiều vấn đề trong bồi thường GPMB chưa được “sáng tỏ” và người dân không đồng ý với chính sách đền bù, hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Điển hình là gia đình ông Nguyễn Huy Thọ, có thửa đất số 45, tờ bản đồ số 8, diện tích 850m2 đất nông nghiệp. Năm 2001, sau khi thu hồi để làm đường vành đai 3, tại phần thay đổi phía sau GCNQSDĐ (số 0374) ghi diện tích đất còn lại là 56m2. Tuy nhiên, việc tính toán này là sai. Tại biên bản làm việc ngày 25/10/2005 giữa cán bộ địa chính xã Tân Triều và các thành phần liên quan, UBND xã Tân Triều thừa nhận hộ ông Thọ sau khi bị thu hồi một phần đất làm đường vành đai 3 thì diện tích còn lại là 341m2 chứ không phải là 56m2 như trong GCNQSDĐ đã đính chính. Các quyết định sau này đều xác nhận diện tích đất của hộ ông Thọ còn lại là 341m2, nhưng trong GCNQSDĐ thì vẫn chưa được chỉnh lý.
Chính sách GPMB không đồng bộ, không thống nhất cũng khiến cho những hộ dân này rất bức xúc. Đơn cử nhưng theo Quyết định số 8044/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND huyện Thanh Trì (về việc phê duyệt phương án bồi thường thu hồi đất) thì một số hộ dân được bồi thường hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng đất ở (60m2). Trong khi đó, các hộ dân khác thì lại được nhận khoản hỗ trợ này bằng tiền, bị thiệt thòi hơn.
Việc chênh lệch quyền lợi này khiến các hộ dân đặt câu hỏi, liệu có sự “đi đêm” ở đây? Các hộ dân cũng đề nghị, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi quá lớn. Trong khi họ làm ăn và sinh nhai bằng chính diện tích đất đó mà không hỗ trợ tái định cư, chỉ hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng tiền thì họ biết làm gì và ở đâu?
Làm việc với phóng viên, ông Đặng Ngọc Quyền – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “việc có những hộ được bồi thường bằng đất tái định cư, có những hộ chỉ được bồi thường bằng tiền là có. 60m2 đất hỗ trợ tái định cư do cơ chế của từng giai đoạn và áp dụng vào từng thời điểm…Về vấn đề này thì tôi chỉ nắm được 1 ít, còn cụ thể thì phóng viên phải làm việc với UBND huyện Thanh Trì”.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Hữu Tâm, cán bộ địa chính xã Tân Triều cho biết: “Dự án Tây Nam Kim Giang này được thành phố có văn bản chấp thuận là dự án đặc thù và vẫn tiếp tục thực hiện cho tái định cư. Tuy nhiên, đến năm 2003 khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án thì Luật đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Một số văn bản cũng không còn hiệu lực nữa nhưng thành phố vẫn tạo điều kiện cho các hộ nào có đơn cam kết bồi thường bằng hình thức gì thì sẽ được bồi thường theo hình thức đó. Thời điểm đó, UBND xã cũng làm các mẫu đơn và đi phát cho từng hộ, nhưng nếu các hộ không có ý kiến gì thì sẽ quy vào là bồi thường bằng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề mà không có tái định cư”.
Ông Tâm cũng cho rằng, lý do phần nhiều các hộ dân không nhận được đất tái định cư là do dự án triển khai chậm, các chính sách luật về đất đai của Nhà nước thay đổi nhiều nên việc triển khai dự án Tây Nam Kim Giang khó khăn...
Với bức xúc kéo dài của người dân chưa được giải quyết trên đây, thiết nghĩ, UBND huyện Thanh Trì sớm giải quyết dứt điểm, hợp tình, hợp lý cho người dân.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trên.