Khách sạn Hữu Nghị - nơi Chan Bosco thực hiện hành vi vi phạm pháp luật |
Những “đường chuyền” thiếu trách nhiệm
Trở lại quá trình giải quyết vụ án trộm cắp cước viễn thông mà Cơ quan điều tra (CQĐT), VKSNDTC xác định bà Mai Thị Khánh là “đầu vụ”, những vi phạm tố tụng đã đưa vụ án này trở thành một trong những vụ án độc nhất vô nhị về thời hạn điều tra, truy tố và xét xử cũng như kỷ lục về trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại không có vụ án nào có thể vượt qua.
Tháng 7/2000, được sự phê chuẩn của VKSNDTC, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, điều tra đối với 7 bị can, trong đó có bà Khánh. Nhưng hai năm sau khi kết thúc điều tra, VKSNDTC chỉ truy tố đối với 2 bị can Mai Thị Khánh và Bùi Ngọc Hải, còn các bị can khác được tha. Hồ sơ vụ án được chuyển đến VKSND TP.Hà Nội để truy tố ra tòa.
Song khi nhận được hồ sơ vụ án, VKSND TP.Hà Nội đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì còn có “sạn”, đồng thời yêu cầu xem xét, xử lý 3 bị can được đình chỉ là Lê Công Hoàng, Trần Văn Tiến và Nguyễn Đức Quang vì có hành vi “tương tự như bị can bị truy tố”. Tuy nhiên, VKSNDTC không trả hồ sơ cho CQĐT mà chỉ gửi công văn rằng ba bị can này đã được liên ngành Công an – Kiểm sát đồng ý “tha” do chứng cứ… chưa chắc chắn (?).
Hồ sơ được “chuyền” trở lại VKSND TP.Hà Nội rồi sang TAND TP.Hà Nội, nhưng cơ quan này cũng có ý kiến tương tự VKSND TP.Hà Nội và còn khẳng định hành vi của những bị can được đình chỉ còn rõ ràng và đủ chứng cứ buộc tội hơn so với bị can bị truy tố là bà Khánh. Lúc này, VKSNDTC mới chấp nhận trả hồ sơ để CQĐT điều tra bổ sung, làm rõ ý thức chủ quan của bà Khánh khi cho Chan Bosco lắp đặt ăngten parabol và thuê thêm số điện thoại để Chan sử dụng, nhưng kiên quyết không xem xét lại quyết định “tha” đối với ba bị can Tiến, Hoàng, Quang.
Tuy nhiên, CQĐT đã không bổ sung được chứng cứ nào. Trong Kết luận điều tra bổ sung, CQĐT cho rằng chỉ cần nhìn vào việc bà Khánh làm cũng đủ chứng minh bà Khánh biết việc phạm tội của Bosco và cùng cố ý phạm tội với tên trộm này. Không điều tra được yêu cầu quan trọng nhất này, CQĐT lại chuyển hồ sơ qua VKS để VKS chuyển qua Tòa án.
Nhưng lời buộc tội thiếu thuyết phục của CQĐT và VKS không thuyết phục được Tòa án. Liên tục từ năm 2003 đến năm 2007, TAND TP.Hà Nội đã 4 lần trả hồ sơ để CQĐT làm rõ các chứng cứ buộc tội đối với bà Khánh. Tuy mỗi lần có một lý do, song Tòa đều yêu cầu CQĐT, VKS phải chứng minh bà Khánh “cùng cố ý phạm tội” với Chan. Nhưng yêu cầu này của Tòa trở thành bài toán quá khó với CQĐT, VKS nên đã không được đáp ứng. Vì thế mà hồ sơ vụ án cứ chuyển đi, chuyển lại giữa Tòa án và VKS suốt 5 năm mà không thể kết án được.
Tòa phúc thẩm “cứu thua” cho ngành Tòa?
Tháng 4/2008, Thẩm phán Hoàng Tân Thanh đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bà Khánh 12 năm tù. Đáng nói là chính bà Thanh là người yêu cầu CQĐT, VKS phải chứng minh việc bà Khánh biết Chan trộm cắp và đồng phạm cùng Chan. Nhưng khi CQĐT “từ chối” điều tra về vấn đề này thì bà Thanh và HĐXX đã bỏ qua chứng cứ buộc tội quan trọng nhất để tuyên bà Khánh “đồng phạm” với Chan bằng bản án 12 năm tù giam khiến bà Khánh bị sốc, bất tỉnh tại tòa. Không lâu sau khi tuyên bản án này, bà Thanh nghỉ hưu.
Những tưởng vụ án kéo dài gần 10 năm sẽ có hồi kết tốt đẹp cho cơ quan truy tố, nhưng ngày 3/12/2008, Tòa Phúc thẩm TANDTC đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội với lý do cần phải “điều tra lại” nhiều tài liệu, chứng cứ buộc tội, đặc biệt là việc chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo Khánh. Bản án bất công của TAND TP.Hà Nội chỉ tồn tại 6 tháng.
Nhưng sau khi nhận hồ sơ để điều tra lại, các yêu cầu điều tra chứng cứ chứng minh việc bà Khánh cho Chan lắp đặt ăngten và thuê thêm điện thoại để y sử dụng vẫn không được làm rõ. CQĐT vẫn giữ lý cũ là “nhìn vào việc bà Khánh làm để chứng minh bà Khánh cùng cố ý phạm tội với Bosco”. Cuối năm 2009, hồ sơ lại được “đá” qua Tòa án.
Nhưng TAND TP.Hà Nội lại không dám “nhận trách nhiệm” để xử như án cũ, nên từ năm 2009 đến nay lại thêm 2 lần nữa Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Như vậy, trong vụ án này riêng TAND TP.Hà Nội có 6 quyết định trả hồ sơ trong tổng số 14 quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và điều tra lại - một kỷ lục mà không vụ án nào vượt qua.
Vụ án này đã trở thành kỳ án với kỷ lục về thời gian buộc tội và kỷ lục về số lần trả hồ sơ, đòi chứng cứ. Hơn một thập kỷ điều tra nhưng không có chứng cứ gì mới so với kết quả điều tra ban đầu. Những yêu cầu điều tra bổ sung không được đáp ứng, liệu lần này Tòa án Hà Nội có để “thủng lưới” và gánh trách nhiệm thay cho CQĐT, VKS bằng một bản án buộc tội đối với bà Khánh, hay lại trả hồ sơ? Hồ sơ vụ án như trái bóng sẽ về đâu, sau phiên tòa ngày 4/10 sẽ biết.
* Luật sư Phạm Hồng Hải:
Quy kết bà Khánh là người giúp sức cho Chan Bosco trộm cắp cước viễn thông là không đúng, bởi bà Khánh không cố ý tạo ra những điều kiện cần thiết cho Chan lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm của mình. Bà Khánh không mong muốn những người thực hiện hành vi trốn cước viễn thông và thực tế bà cũng không có lợi gì từ việc làm vi phạm của người nước ngoài. Với các chứng cứ có trong hồ sơ thì không thể quy kết bà Khánh đồng phạm trộm cước viễn thông.
* Luật sư Nguyễn Đình Hưng
Đọc hồ sơ vụ án, tôi không thấy có mối liên hệ biện chứng, nhân quả nào giữa hành vi khách quan và ý thức chủ quan của bà Khánh. Trong hồ sơ có hàng nghìn bút lục nhưng tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội của bà Khánh lại quá ít và không có tài liệu nào chứng minh mối liên hệ giữa bà Khánh và người thực hiện tội phạm (Chan Bosco). |
Bình Minh