Là một trong 8 đề tài được Bộ GD&ĐT chọn tham dự Cuộc thi Intel ISEF 2017, dự án Cánh tay robot dành cho người khuyết tật của em Phạm Huy đã gặp phải nhiều khó khăn khi 2 lần phỏng vấn Huy đều bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa mà chưa rõ nguyên nhân. S
au đó, câu chuyện của Huy được báo chí kịp thời phản ánh và đến ngày 13/5, Huy mới được cấp visa khi vượt qua lần phỏng vấn thứ 3 của Đại sứ quán Mỹ.
Em Phạm Huy phát biểu cảm nghĩ tại lễ tuyên dương |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, dự án về robot là không mới, nhưng cánh tay robot của em Huy mang nhiều ý nghĩa bởi Quảng Trị là mảnh đất còn khó khăn, lại hứng chịu nhiều di chứng từ các cuộc chiến tranh ác liệt, nơi đây có rất nhiều người bị khuyết tật. Huy đã tìm giải pháp để giúp đỡ những người kém may mắn đó.
“Khoa học bắt đầu từ con người và bây giờ quay trở lại để phục vụ con người, đó là giá trị nhân văn. Và tác phẩm của Huy đã hiện rõ điều đó, khi đã mang ý nghĩa sâu sắc đối với địa phương vốn có nhiều người khuyết tật và nạn nhân bom mìn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại lễ tuyên dương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở KH&CN và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trao thưởng số tiền gần 50 triệu đồng cho nam sinh này.
Chia sẻ trước báo chí, Phạm Huy cho biết, khi nghe tên đất nước, quê hương và cá nhân mình được xướng trên trường quốc tế, em đã vỡ òa hạnh phúc.
Hiện tại dự án Cánh tay robot dành cho người khuyết tật của Huy đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Trước mắt, Huy sẽ cùng với nhóm bạn hoàn thiện cánh tay robot này nhỏ gọn hơn, cấu trúc đơn giản và thực hiện được nhiều thao tác hơn, sớm đưa sản phẩm này ứng dụng phổ biến trong xã hội. Đồng thời, Huy sẽ tiếp tục tìm tòi, sáng chế thêm những sản phẩm công nghệ thiết thực phục vụ cuộc sống.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF là sự kiện được tổ chức hằng năm bắt đầu từ năm 1952 dành cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 với 22 hạng mục.
Năm nay cuộc thi được tổ chức tại California (Mỹ) từ ngày 13 - 19/5 với 78 nước tham dự và 1403 dự án với 1778 thí sinh tham gia.
Để được có mặt tại cuộc thi này các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các Hội thi khoa học từ nhiều cấp đến quốc gia.
Đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi với 8 dự án của 15 học sinh trung học. Trong đó có 5 dự án đoạt giải (gồm 1 giải Ba và 4 giải Tư). Ngoài ra, có 4 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành một trong ba nước đứng thứ ba (Việt Nam, Đức và Úc) về số lượng giải thưởng nhiều sau Mỹ và Ấn Độ tại sân chơi sáng tạo khoa học quốc tế.