Đây là công trình chào mừng hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cũng là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sau 7 tháng thi công, với sự phối hợp tích cực của lãnh đạo và các ban ngành tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ, xã Tân Thái và sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, công trình Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính gồm:
Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Nhà sản - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946 - 1954, Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường; Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác có sức chứa trên 150 người; Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2…
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ. |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là công trình văn hoá, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau.
Để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa, hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm văn hóa địa phương và khám phá vẻ đẹp của "Thủ đô gió ngàn" thập kỷ 50 của thế kỷ trước ở thời hiện đại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành những viên gạch quý bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng tôi luyện phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để làm tốt hơn công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, phản ánh khách quan, sinh động và đa chiều thực tiễn cuộc sống, khơi nguồn, lan tỏa những điều tốt đẹp, kiên quyết phê phán, đấu tranh chống tiêu cực, góp phần xứng đáng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, địa phương, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tại buổi lễ, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.