Điều đáng nói nhất là có những vụ việc dù đã hết thời hạn giám đốc thẩm gần 3 tháng (3 năm 3 tháng), cơ quan THADS mới nhận được kháng nghị của tòa án tối cao (ký trong hạn) trong khi vụ việc đã thi hành xong. Đây là điều khó khăn nhất không chỉ đối với công tác THADS tại Bình Dương mà ở các tỉnh, thành khác cũng gặp phải. PLVN nêu một trong nhiều vụ “vấp” kháng nghị xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau.
“Dở khóc, dở cười” vì “vấp” kháng nghị
Nhận định của TAND Bình Dương cho rằng: sau năm 1975, vợ chồng ông Đỗ Văn Chúc, bà Lai Thị Đặng đến khai phá, sử dụng và dựng nhà ở trên đất (xã Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương). Sau đó ông Chúc được cấp GCNQSDĐ với diện tích gần 59 nghìn m2. Kế đó, ông Chúc cho con ruột là Đỗ Thị Duyên về dựng nhà trên đất của mình (ông Chúc đổi lại GCNQSDĐ). Rồi kế đó ông Chúc tiếp tục phân chia đất cho các con cháu, và diện tích đất còn lại là hơn 3,5 nghìn m2. Một thời gian sau ông Chúc kiện bà Duyên đòi lại đất.
TAND huyện Bến Cát công nhận bà Duyên được sử dụng 605m2 đất (gắn liền nhà bà Duyên), bà Duyên phải trả đất còn lại cho ông Chúc. Do quyết định giải quyết tranh chấp của TAND Bến Cát không thể hiện rõ diện tích, vị trí đất bà Duyên phải trả, tuy nhiên có ghi rõ tứ cận. Nay bà Duyên “trưng” ra một số nhân chứng cho rằng bà có khai phá, hoán đổi đường đi được hơn 500m2 ở hướng Nam và giáp ranh với đất của bà là không có căn cứ xem xét. Cấp phúc thẩm quyết sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Duyên. Theo đó ông Chúc, bà Đặng được sử dụng hợp pháp phần đất tranh chấp có diện tích hơn 500m2.
Liên quan đến vụ việc này, sau khi xem xét khiếu nại của bà Duyên, TANDTC có quyết định kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, đề nghị TANDTC tuyên hủy án phúc thẩm và án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND Bến Cát xét xử sơ thẩm lại.
Một trường hợp khác, ông H.Đ.T thường trú tại quận 11, TP.HCM ký hợp đồng mua tài sản đấu giá là “quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, giá trị hơn 1,5 tỷ đồng. Kế đó, ông T nộp đủ số tiền mua tài sản theo đúng như thỏa thuận đã được ký kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó ông T nhận thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án, do có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, nên cơ quan THADS không thể trả tiền lại tiền hoặc giao tài sản trúng đấu giá cho ông T được.
Quyết định kháng nghị nêu: “Đề nghị Tòa Dân sự TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy án dân sự phúc thẩm và án sơ thẩm... Tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”.
Án thừa kế, xử sao cho đúng?
Tại bản án dân sự phúc thẩm về “yêu cầu chia thừa kế” của TAND tỉnh Bình Dương nhận định: “Các nguyên đơn gồm: ông Huỳnh Văn Quận, bà Huỳnh Thị Thủy, ông Huỳnh Văn Tự cho rằng, bà Nguyễn Thị Hoa chết để lại tài sản bao gồm: hơn 12,5 nghìn m2 tại ấp 8, xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương; hơn 10,5 nghìn m2 tại ấp 1B, xã Chánh Phú Hòa, trên đất có 630 cây cao su 5 năm tuổi do ông Lợi trồng; hơn 2,7 nghìn m2 cũng tại ấp 1B, xã Chánh Phú Hòa và gần 4 nghìn m2 tại ấp An Lợi, xã Hòa Lợi, trên đất có 1 căn nhà cấp 4 và 170 cây cao su.
Sau khi xem xét hồ sơ, TAND tỉnh Bình Dương cho rằng: diện tích hơn 2,7 nghìn m2 có nguồn gốc của ông Huỳnh Văn Lợi nhận chuyển nhượng của anh trai là Huỳnh Văn Tình với giá 6 chỉ vàng 24k; khu đất gần 4 nghìn m2 có nguồn gốc của ông Lợi nhận chuyển nhượng của bà Dương Thị Cảnh, ông Lợi được cấp GCNQSDĐ – là tài sản riêng ông Lợi; đối với khu đất hơn 12,5 nghìn m2 và khu đất hơn 10,5 nghìn m2 (đã trồng cao su 4 năm tuổi) là tài sản của ông Hoan, bà Hoa.
Tuy nhiên khi bà Hoa còn sống, bà và ông Hoan đã chia đất và vàng đều cho các con (không làm giấy tờ). Trong đó, ông Lợi là con út, sống chung với ông Hoan bà Hoa. Riêng khu đất hơn 12,5 nghìn m2 đã quy hoạch KCN, được đền bù hơn 882 triệu đồng, và ông Hoan cùng 7 người con đã lập biên bản tự thỏa thuận chia số tiền này. Từ những căn cứ có được, TAND Bình Dương quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Quận, bà Thủy và ông Tự.
Án tuyên là thế, nhưng TANDTC không cho là đúng nên ra quyết định kháng nghị theo hướng đề nghị TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm, hủy án sơ thẩm, tạm đình chỉ THADS bản án phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm….
Gặp những trường hợp này, Cơ quan THADS chỉ còn biết “dở khóc, dở cười”.
Phong Trần