Cùng dự Hội nghị, về phía các ban, bộ, ngành Trung ương có các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Uỷ viên dự khuyết TW Đảng Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhiều lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh dự Hội nghị tại 63 điểm cầu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh; Mai Lương Khôi; Trần Tiến Dũng và đông đủ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Mở đầu Hội nghị, các đại biểu đã xem video clip báo cáo công tác năm 2023. Theo đó, tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700VBQPPL cấp xã.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Hội nghị. |
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ tác động đến hầu hết các lĩnh vực, Bộ Tư pháp, tổ chức Pháp chế và các cơ quan tư pháp đã xây dựng, ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, nhất là việc tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực hiện chiến lược phòng chống dịch Covid 19, các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid để thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ngay từ đầu của nhiệm kỳ, Bộ ngành Tư pháp đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp tập trung tham mưu thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng, với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm trong xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Đến nay, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ đã tham mưu Chính phủ trình QH thông qua tổng số 29 luật, 15 nghị quyết; Bộ Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền 307 Nghị định, nghị quyết; Bộ trưởng các Bộ đã ban hành 1.755 Thông tư, 09 Thông tư liên tịch. Công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của Đảng đoàn, Quốc hội qua đó đã kịp thời tham mưu quy định mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể để tháo gỡ các rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh.
Kết quả Thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành xong trên 211 nghìn tỷ đồng, trong đó gần 40.5 nghìn tỷ là kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và các nước không ngừng được mở rộng và hợp tác đi vào chiều sâu. Bộ Tư pháp đã ký kết được hơn 60 thỏa thuận hợp tác với các cơ quan pháp luật và tư pháp của các quốc gia trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế đã phương toàn cầu và khu vực. Qua đó, nâng cao hình ảnh, vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trên trường quốc tế, góp phần hiện thực hóa chủ trương đối ngoại của Đảng.
Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung 09 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:
Thứ nhất, kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Thứ hai, thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về THADS, THAHC. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về THAHC.
Đoàn Chủ tịch Hội nghị gồm có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi, Trần Tiến Dũng. |
Thứ ba, tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp. Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi VBQPPL để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định liên quan hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Thứ năm, tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng, truyền thống và hữu nghị; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng ngành; kiện toàn tổ chức và sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp theo yêu cầu của Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 04/7/2023 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp và các Thông tư, quy định khác có liên quan theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm. Thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác cán bộ, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức và công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo của Bộ tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho bộ, ngành Tư pháp.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tư pháp trong sạch, chuyên nghiệp, bản lĩnh, ngang tầm nhiệm vụ tinh thần các Nghị quyết của Đảng và yêu cầu của Chính phủ, nhất là Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân Luật giai đoạn 2023-2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng lộ trình đã đề ra.
Thứ tám, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lĩnh vực do Bộ, ngành Tư pháp quản lý có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ chín, tập trung, chủ động, quyết liệt trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; phấn đấu đảm bảo kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2024 theo tiêu chí được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.