Cùng dự Đại hội có các đồng chí Lê Thanh Hải - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh; Trương Mỹ Hoa - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đại diện các Ban Đảng Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ; đại diện các sở, ngành, địa phương cùng 348 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 49.000 đảng viên của Đảng bộ về tham dự Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, phát biểu khai mạc Đại hội. |
Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiệm kỳ mới
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Danh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Tiền Giang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Với sự quan tâm, quyết tâm của các cấp lãnh đạo và sự đồng thuận của người dân, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết đã đề ra; quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả thiết thực; sự nghiệp giáo dục, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực;
An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; cải cách hành chính có chuyển biến tốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng đặc biệt được quan tâm; thực hiện chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách;
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, “chống” các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bằng những kết quả đã nhận được, Tiền Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025. Do đó, Đại hội cần tập trung vào 3 nội dung quan trọng và hết sức hệ trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của Đại hội và gắn với những mục tiêu, nhiệm vụ, những chủ trương, giải pháp mang tính xuyên suốt trong chặn đường 5 năm tới, cụ thể:
Tổng kết, đánh giá khách quan kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội; kiểm điểm sự lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và biểu quyết thông qua Nghị quyết, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện của Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng; thảo luận đóng góp ý kiến Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội đại biểu lần thứ XI.
Thực hiện bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đúng yêu cầu, đúng quy trình, quy định; thực hiện đúng việc ứng cử, đề cử của đại biểu đại hội.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. |
Huy động đa dạng nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng phát triển kinh tế
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Công tác nội chính, cải cách tư pháp; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quốc phòng, an ninh nhân dân; phát triển văn hóa – xã hội; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai… đều được quan tâm thực hiện và thu được nhiều thành quả quan trọng.
Trong nhiệm kỳ mới, tỉnh Tiền Giang cần huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình trăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2025.
Để thực hiện các mục tiêu đó, tỉnh Tiền Giang đã đề ra 17 chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó, đáng chú ý về tăng trưởng kinh tế bình quân 7,0 – 7,5%/ năm; GRDP bình quân đầu người đạt 91,5 – 93,5 triệu đồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa công nghiệp và xây dựng đứng đầu (35,6%); kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20 – 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Tỉnh ủy cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế còn tồn tại và cần được khắc phục. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chất lượng tăng trưởng chưa cao.
Hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nhất là các công trình có quy mô lớn, công trình giao thông, thủy lợi kết nối giữa tỉnh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. |
Phát biểu chỉ đạọ tại Đại hội, đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá cao, biểu dương, chúc mừng những thành tích Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đề nghị Đại hội tiếp tục thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của những thành quả cũng như những hạn chế, tồn tại đã nêu ra trong báo cáo chính trị; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khả thi, tích cực để tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Với mục tiêu trở thành “tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” và “phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh tự cân đối ngân sách” của tỉnh Tiền Giang trong nhiệm kỳ mới, Bộ chính trị đã xem xét và cơ bản tán thành, đồng thời, đưa ra một số vấn đề đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, bổ sung, hoàn thiện, làm rõ thêm 5 vấn đề để thống nhất thực hiện, cụ thể:
Tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Tiền Giang cần có các giải pháp để tăng cường liên kết vùng, phát huy các lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tập trung phát triển đô thị trung tâm và nâng cao tỉ lệ đô thị hoá. Đẩy nhanh công tác tổ chức lập quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, kết nối với sự phát triển công nghiệp của các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch; chú trọng các giải pháp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nhất là cho lao động ở khu vực nông thôn, vùng ven biển. Đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho giáo dục. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo sức khoẻ và đời sống của nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng tốt cơ hội đón đầu các làn sóng đầu tư mới. Rà soát, tăng cường phân cấp quản lý; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, làm trong sạch môi trường xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời các khiếu kiện, các vấn đề phát sinh tại cơ sở, không để hình thành các “điểm nóng” trên địa bàn.