Việc sinh con ở độ cao 1.200 m, không những là một trải nghiệm căng thẳng đối với người mẹ, mà mọi thứ mọi thứ còn rắc rối hơn khi hạ cánh. Tùy vào nhiều yếu tố, quốc tịch của đứa bé mới sinh sẽ được cân nhắc theo nhiều điều luật khác nhau.
Không có quy tắc chung về cách một quốc gia xác định quốc tịch của một đứa trẻ. Một số quốc gia như Việt Nam theo luật chung huyết thống, nghĩa là quốc tịch của đứa trẻ sẽ được xác định theo quốc tịch của cha mẹ. Một vài quốc gia khác lại theo nguyên tắc nơi sinh, tức là quốc tịch được cấp theo lãnh thổ của quốc gia em bé chào đời, bất kể cha mẹ mang quốc tịch nào. Các quốc gia theo nguyên tắc nơi sinh chủ yếu ở châu Mỹ, bao gồm Mỹ và Canada. Và với sự phát triển của ngành hàng không, những luật lệ này cũng xét đến không phận.
Nếu một đứa trẻ được sinh ra trên không phận Mỹ, theo nguyên tắc nơi sinh thì đứa trẻ đó sẽ được cấp quốc tịch Mỹ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, đứa trẻ cũng có thể được cấp hai quốc tịch nếu cha mẹ bé đến từ một quốc gia cấp quốc tịch dựa trên huyết thống - tuy nhiên điều này phụ thuộc vào các quốc gia có liên quan.
Tuy vậy, nguyên tắc nơi sinh không áp dụng trên một đất nước cấp quốc tịch theo huyết thống. Một người mẹ Mỹ không thể nhập quốc tịch Pháp cho con của mình chỉ vì cô ấy sinh con trên không phận của Pháp. Đứa trẻ sẽ mang quốc tịch Mỹ theo cha mẹ, vì Mỹ tuân theo luật huyết thống khi một đứa trẻ được sinh ra ở nước ngoài. Luật huyết thống là quy tắc phổ biến hơn trên toàn cầu, nên hầu hết những đứa trẻ sinh ra trên một chuyến bay trên vùng biển quốc tế hoặc vùng trời nước ngoài sẽ có quốc tịch theo cha mẹ.
Trong trường hợp người mẹ không có quốc tịch chính thức và đứa trẻ được sinh ra trên không phận quốc tế, con của cô ấy có thể sẽ có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào mà máy bay đó đã đăng ký, theo Công ước của Liên hợp quốc về giảm thiểu tình trạng vô quốc tịch.
Một trường hợp đặc biệt xảy ra vào năm 1990, khi hành khách Debbie Owen lên chuyến bay trở về Anh - quê hương cô, từ Accra (Ghana). Debbie bất ngờ chuyển dạ sớm hơn sáu tuần trước ngày dự sinh. Với sự trợ giúp của phi hành đoàn, Wym Bakker - một bác sĩ người Hà Lan trên chuyến bay, đã đỡ đẻ thành công cho Debbie và cô hạ sinh bé Shona Owen. Shona Owen được sinh ra ở độ cao 2.100 m trên mặt nước biển trong khoang hạng nhất của một chiếc Boeing 747 gần không phận của Mayfiel, Sussex, Anh. Cuối cùng, Shona Owen được cấp quốc tịch theo mẹ và trở thành một công dân nước Anh đúng như những gì mẹ cô mong muốn.
Tuy nhiên không phải trường hợp nào sinh trên máy bay cũng suôn sẻ. Vào năm 2015, một ca sinh trên chuyến bay của China Airlines từ Đài Bắc đến Los Angeles đã gây tranh cãi sau khi bà mẹ bị cáo buộc cố gắng "du lịch sinh nở". Đây là xu hướng của những người mẹ mang thai bay đến Mỹ để sinh con, với hy vọng đứa bé có thể đủ điều kiện để được trở thành công dân Mỹ.
Bỏ qua tất cả các quy luật phức tạp này, các ca sinh giữa chuyến bay cực kỳ hiếm đến mức hầu hết các hãng hàng không thậm chí không theo dõi số lượng trẻ sinh ra trên máy bay. Xuyên suốt lịch sử, ngành hàng không không có thống kê chính xác rằng có bao nhiêu đứa trẻ chào đời trên trời. Ước tính cả thế giới chỉ ghi nhận khoảng 50 ca sinh trên máy bay. Theo quy định của nhiều hãng, phụ nữ trong những tháng cuối thai kỳ sẽ không được phép lên máy bay. Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng siết chặt quy định nhập cảnh với các thai phụ nhằm ngăn tình trạng sinh con trên đất Mỹ để lấy quốc tịch.