Mối liên hệ giữa bệnh dại và buôn bán thịt chó, mèo
Bị chó, mèo cắn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp lây truyền bệnh dại từ động vật sang người. Một trường hợp gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Được biết, trước khi nhập viện 1 tháng, trẻ bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Một số trường hợp, bệnh dại có thể lây nhiễm thông qua các vết thương hở, các niêm mạc ở mắt, mũi. Do đó, nếu không phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh dại rất dễ lây lan trong cộng đồng, khi phát hiện thường là quá muộn. Bệnh dịch nguy hiểm là vậy, song quá trình kiểm soát bệnh dại trên cả nước hiện còn rất nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, trong đó yêu cầu các địa phương tăng tỷ lệ tiêm phòng dại một cách đồng bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia động vật đưa ra cảnh báo, những nỗ lực đó sẽ trở thành vô ích nếu hoạt động buôn bán thịt chó, mèo trong nước vẫn không suy giảm.
Mối liên hệ giữa việc buôn bán thịt chó, mèo và sự lây lan của bệnh dại chết người đã được xác định rõ ràng thông qua nhiều báo cáo trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên hiệp Kiểm soát dại Toàn cầu (GARC) đã có những công nhận mang tính toàn cầu về sự liên quan giữa buôn bán và giết mổ chó, mèo và lây truyền của bệnh dại tại các quốc gia với các báo cáo về tỷ lệ chó, mèo bị buôn bán, giết mổ dương tính với bệnh dại; sự di chuyển các chủng vi rút dại khác nhau ở chó, mèo bị buôn bán,…
Ông Nguyễn Vũ Quang, quản lý chương trình động vật đồng hành của HSI tại Việt Nam cho biết: “Việc buôn bán thịt chó ở Việt Nam không chỉ là một thảm họa về phúc lợi động vật mà còn không phù hợp với các nỗ lực loại trừ bệnh dại ở chó. Việc sản xuất và vận chuyển chó con và chó hàng loạt, không được kiểm soát để cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi, nhà hàng và lò mổ đi ngược lại các hướng dẫn được quốc tế công nhận do các chuyên gia sức khỏe con người và động vật ban hành về cách kiểm soát và cuối cùng là loại bỏ bệnh dại”.
Chính quyền địa phương vào cuộc
Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi cùng với những chỉ đạo quyết liệt, rõ ràng của Chính phủ, nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, thực hiện quản lý và giám sát hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi.
Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành chỉ thị hướng tới loại bỏ việc buôn bán thịt và tiêu thụ thịt chó, mèo trên địa bàn Hà Nội. Chỉ thị này đã đưa ra chiến lược đa phương thức bao gồm thực thi nghiêm ngặt và phối hợp giữa nhiều cơ quan nhà nước; Nhấn mạnh tính cấp bách phòng ngừa sự lan truyền bệnh dại với trọng tâm là nâng tỷ lệ tiêm vaccine dại trên 90% cho đàn chó, mèo nuôi.
Tại Thái Nguyên, bên cạnh công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật được thực hiện nghiêm ngặt, thời gian qua chính quyền cùng với tổ chức HSI Việt Nam đã thực hiện chương trình Mô hình chuyển đổi - giúp các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo chuyển đổi sinh kế, chương trình tiêm phòng dại, quản lý vận chuyển đàn chó, mèo và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc ngừng tiêu thụ thịt chó, mèo, đồng thời vận động thực thi pháp luật về hoạt động chống buôn bán chó, mèo. Trong hơn 2 năm, chương trình Mô hình chuyển đổi đã giúp đóng cửa 5 cơ sở kinh doanh chó, mèo lấy thịt và giải cứu hơn 100 cá thể.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, bệnh dại là dịch bệnh phổ biến ở Việt Nam, buôn bán thịt chó, mèo là một nguyên nhân góp phần làm lây lan vi rút này sang người. Việc hợp tác cùng HSI Việt Nam trong chương trình dự án “Mô hình chuyển đổi” đã góp phần thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành và đẩy lùi bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Trong đó có “Mô hình chuyển đổi” - “Model for changes” giúp những người buôn bán thịt chó, mèo có thể chuyển đổi sang hoạt động sinh kế tốt hơn, an toàn hơn cho bản thân và cộng đồng.