Việc giải quyết tranh chấp vật nuôi, tập quán được áp dụng thường là theo nguyên tắc “mẹ nào, con nấy”. Tập quán này dựa trên bản năng của động vật, nằm ngoài ý chí của con người, ngăn chặn được những hành vi trái pháp luật muốn chiếm đoạt tài sản của người khác. Tập quán của đồng bào Mường tỉnh Hòa Bình rất có hiệu quả điều chỉnh các tranh chấp liên quan đến gia súc, gia cầm. Vì vậy, tập quán này nên được ưu tiên áp dụng. Áp dụng tập quán này khi giải quyết sẽ không bị phụ thuộc vào chủ quan của con người, của cơ quan xét xử.
Vấn đề hợp tình và hợp lý trong giải quyết tranh chấp là biết kết hợp giữa những tinh hoa của tập quán và pháp luật. Suy cho cùng, pháp luật không thể tách rời cuộc sống hiện thực và không làm phức tạp hóa cuộc sống hiện thực. Trường hợp không có tập quán để áp dụng thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”.
Theo quy định tại Điều 6 thì biện pháp trên không được ưu tiên áp dụng như tập quán và sự thỏa thuận của các bên chủ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật phải thỏa mãn các điều kiện sau: Thứ nhất, tranh chấp đang cần được giải quyết thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự. Tranh chấp đó là tranh chấp về tài sản mang tính chất hàng hoá - tiền tệ hoặc tranh chấp về nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự (không bao gồm quyền chính trị và quyền bầu cử của chủ thể). Thứ hai, tranh chấp đó chưa có quy phạm để áp dụng giải quyết, nhưng hiện có quy định điều chỉnh quan hệ cùng loại để áp dụng quy định tương tự của pháp luật để giải quyết. Thứ ba, áp dụng quy định tương tự của pháp luật thuộc thẩm quyền của TAND trực tiếp giải quyết tranh chấp.
Đặc biệt, quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xem như một cuộc “cách mạng”, thay đổi cơ bản những tư tưởng trong hoạt động tố tụng dân sự ở Việt Nam và nâng cao trách nhiệm của các cấp tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự. Khoản 2 Điều 6 quy định: “Trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Quy định trên đã mở rộng thẩm quyền của TAND, đồng thời cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan xét xử với mục đích giải quyết kịp thời các tranh chấp phát sinh trong trường hợp không có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp, không có tập quán để áp dụng, không có quy định tương tự để áp dụng điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự, thì án lệ, lẽ công bằng được áp dụng để giải quyết tranh chấp dân sự. Hơn nữa, vấn đề án lệ cũng cần thiết phải được xem xét để có thể lấy án lệ làm điển hình để giải quyết những tranh chấp có tính chất tương tự nhau. Trình độ và trải nghiệm của thẩm phán cũng sẽ được nâng cao nếu án lệ được xem xét áp dụng.