Dấu hiệu tai nạn gia tăng
Vào trưa 9/11, trên quốc lộ 1, đoạn gần phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP HCM, một nam tài xế 58 tuổi điều khiển xe đầu kéo vào khuôn viên một công ty để xếp hàng đã bất ngờ đâm trúng một xe máy, khiến người phụ nữ điều khiển xe máy ngã ra đường và bị xe đầu kéo cán qua tử vong. Nhiều câu hỏi đặt ra với vụ tai nạn, trong đó có nghi vấn liên quan sức khoẻ của nam tài xế dẫn tới việc không điều chỉnh được tốc độ.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2022, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến độ tuổi trên 55 chiếm 13,02%, cao hơn 1,09% so với cùng kỳ năm 2020. Được biết, tai nạn liên quan đến người lớn tuổi chủ yếu xảy ra vào sáng sớm, khi họ đi tập thể dục. Lúc này trời nhá nhem tối hạn chế tầm nhìn của người lái xe. Nhiều người cao tuổi chỉ sử dụng các phương tiện xe 50 phân khối, xe máy điện, xe đạp,… khi tham gia giao thông, đặc biệt khi chuyển hướng trên đường nếu không quan sát kỹ rất dễ xảy ra va chạm.
Trước đó, câu chuyện một cụ ông trên 80 tuổi lái xe ô tô cũng gây xôn xao dư luận. Bên cạnh những lời chúc mừng, khâm phục, dư luận cũng không khỏi băn khoăn khi nhìn thao tác khá khó khăn của cụ khi đóng cửa xe, ôm vô lăng quá sát và bấm còi quá nhiều khi lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Được biết, trên thế giới, việc những người 80 - 90 tuổi vẫn lái xe là chuyện bình thường, dù phản ứng không còn nhanh nhẹn như người trẻ. Nhưng tại những quốc gia có dân số già hoá như Nhật Bản, vấn đề người cao tuổi lái xe gây tai nạn ngày càng trở nên nhức nhối những năm gần đây. Đơn cử, theo thống kê của giới chức Nhật Bản năm 2018, những lái xe hơn 75 tuổi đã gây ra số tai nạn gấp đôi so người dưới độ tuổi đó, làm tử vong hơn 100.000 người. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, người điều khiển phương tiện càng lớn tuổi càng có nhiều nguy cơ gây ra TNGT hơn, thậm chí cao hơn so với các nhóm tuổi khác trẻ hơn.
Đảm bảo sức khỏe khi lái xe
Việc đảm bảo sức khỏe rất quan trọng khi các tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hiện nay Chính phủ đang triển khai hệ thống dữ liệu liên thông sức khỏe của người dân nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu về hồ sơ y tế, liên thông với các cơ quan chức năng. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện lái xe có vấn đề về sức khỏe, sẽ có khuyến cáo tức thời cho tài xế mà không cần chờ đến khi họ kiểm tra sức khỏe định kỳ hay thời điểm cấp lại giấy phép lái xe.
Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại Việt Nam năm 2022 với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” và chủ đề “Thực thi quy định pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Tại Lễ tưởng niệm ngày 19/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị và nhân dân nỗ lực vào cuộc kéo giảm TNGT nhưng hằng năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng và hơn 11 nghìn người bị thương tật suốt đời. Riêng 11 tháng qua, TNGT đã cướp đi mạng sống của hơn 6.000 người.
Còn theo TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi người dân hãy trở thành một người tham gia giao thông có văn hóa và có trách nhiệm để mang đến một xã hội giao thông an toàn.
Hiện nay, luật giao thông Việt Nam không cấm người cao tuổi lái xe, tuy nhiên đối tượng này khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường đều phải chú ý đảm bảo các quy định về sức khỏe, nhằm phòng tránh những tai nạn không đáng có. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người lái xe cao tuổi nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên, một khi phát hiện có các dấu hiệu suy giảm nhận thức, tầm nhìn và các vấn đề sức khỏe khác thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cầm lái. Tốt nhất nếu không đảm bảo sức khỏe thì không nên lái xe.