Đau đớn hơn, trong phiên tòa không ai mong muốn ấy, tất cả mọi người đến dự đều là anh em cột chèo, họ hàng thân thích. Chẳng ai bảo ai, họ đều đau đáu lặng thinh trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa.
Mâu thuẫn trong việc “chủ - tớ”
Theo hồ sơ vụ án, Ngô Thanh Phương (SN 1971, tại Đồng Tháp) là cậu ruột của bị cáo Trần Quốc Huỳnh và làm thuê tại đại lý thức ăn gia súc của gia đình anh Huỳnh tại ấp 94, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai từ năm 2005. Trong quá trình làm việc, Phương cho rằng anh Huỳnh không có thiện chí với mình nên thường giao những công việc không ổn định có thu nhập thấp. Cụ thể Phương vừa lái xe, vừa bốc xếp nhưng lương chỉ được 4 triệu/tháng.
Khoảng đầu tháng 12/2017, trong lúc bốc hàng thì Phương bị rách bàn tay trái nên xin anh Huỳnh nghỉ việc điều trị vết thương. Một tháng sau, Phương đi làm việc lại thì anh Huỳnh nói: “Nghỉ thêm vài bữa nữa chứ xe hư rồi, không chạy được nữa”. Từ đó, Phương nghĩ rằng anh Huỳnh có ý định đuổi việc mình nên Phương nảy sinh ý định chém chết anh Huỳnh.
Sáng 4/1/2018, thấy anh Huỳnh chạy xe mô tô ngang qua nhà, Phương lấy một con dao giấu vào trong người rồi đi bộ xuống bãi xe của anh Huỳnh cách nhà Phương khoảng 200m.
Đến nơi, nhìn thấy anh Huỳnh đang cho chó ăn, Phương rút dao xông tới chém anh Huỳnh. Anh Huỳnh bỏ chạy vào trong bãi xe vẫn bị Phương đuổi theo chém tiếp dẫn tới bất tỉnh. Nhiều người phát hiện sự việc ca ngăn, Phương cầm dao bỏ về nhà. Đến trưa cùng ngày, Phương đến Công an huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đầu thú.
Hậu quả anh Trần Quốc Huỳnh bị thương tật với tỉ lệ lên đến 83%
Nỗi đau người chị
Sáng 20/9/2018 bị cáo Phương bị đưa ra xét xử với tội danh “Giết người”. Suốt phiên xử, người ta luôn thấy một đứa trẻ chừng 3 tuổi (con bị cáo) đang ngồi một góc sau sân tòa và một người đàn bà đôi mắt sưng đỏ, lắm lúc lại lấy đôi tay quệt ngang.
Bà là Phạm Thị Lụa – chị gái Phương. Gia đình bị cáo Phương có 4 người, bố mẹ đã mất, chỉ còn Phương và chị gái. Sau giải phóng, bà Lụa cất bước từ Tiền Giang lên Đồng Nai lập nghiệp và cưới chồng sinh được 4 người con. Còn Phương ở lại quê chăm bón ruộng vườn. Những năm lũ miền Tây, ruộng nương ngập úng, làm lụng vất vả bà đành phải đem em trai lên Đồng Nai lập nghiệp. Vốn tính hiền lành, chân chất nên làm ở đâu, Phương cũng bị cho nghỉ việc vì quá “khờ”. Thương em, bà nhắn với con rể (là nạn nhân) nhận cậu (tức bị cáo) vào làm ở đại lý thức ăn của con rể. Tưởng cuộc sống đã ổn định được một phần, nào ngờ bi kịch lại xảy ra.
Cho tới bây giờ, bà Lụa vẫn luôn tự trách bản thân rằng vì bà mà xảy ra sự việc. Người đàn bà đã bước sang tuổi thất thập trên đầu 2 thứ tóc vẫn còn đang đau đáu với nỗi lo 1 bên là đứa em trai, 1 bên là gia đình con gái ruột. Bà kể: “Trước khi mẹ mất, mẹ bà dặn phải chăm sóc em thật tốt nhưng bây giờ…”. Đứng trước mâu thuẫn tình nghĩa gia đình, bà Lụa thấy mình bất lực.
Chủ tọa xác định nhân thân, rồi khẽ lắc đầu: “Đều là gia đình với nhau cả, vì miếng cơm manh áo, cũng chỉ vì bất đồng trong công việc, không biết cách hóa giải. cớ sao lại ra tay chém cháu mình đến như vậy? Nếu như bị hại có mệnh hệ gì thì cả đời bị cáo cũng không thể trả nổi”. Phương vẫn chỉ cúi mặt và có những tiếng trầm đục cất lên: “Bị cáo đã biết lỗi”. Đằng sau, bà Lụa lại đưa tay quẹt lên đôi mắt đỏ...
Tòa nghị án, bà Lụa bước ra ngoài. Bấy giờ, những cảm xúc dồn nén mới vỡ òa nơi bà. Bà khóc thành lời. Những lời xót xa vọng vào trong căn phòng nhỏ, nơi Phương đang ngồi với chiếc còng số 8, dựa hờ vào ghế chờ nghe tuyên án.
Muộn màng
Suốt hơn 2 giờ đứng ở vòng móng ngựa, bị cáo Phương chỉ cúi đầu trả lời và nhận tội, tuyệt nhiên không một lời biện hộ cho mình trước HĐXX và gia đình nạn nhân. Học hành không đến nơi đến chốn, chỉ mới lớp 9 nhưng cũng đủ để Phương biết đâu là những sai, đúng trong cuộc đời.
Với hành vi trên, HĐXX TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bị cáo Ngô Thanh Phương 14 năm tù giam về tội “Giết người” và bồi thường cho người bị hại 140 triệu đồng.
Bước ra phòng xét xử, nhìn đứa con trai 3 tuổi chạy nhảy bên dưới sân tòa, bất giác gọi “ba ba”, Phương liên tục lấy tay lau nước mắt khiến ai nấy đều chạm lòng. Người đàn ông cứng cỏi trong suốt phiên tòa đã không cầm lòng trước tình phụ tử. Bị cáo Phương lập gia đình muộn và đã mơ về một tương lai hạnh phúc với người vợ và con thơ nhưng viễn cảnh đó đã tạm gác lại…