Tuyên bố của ông Trump cũng gây ra phản ứng và cảnh báo của nhiều nước trên thế giới. Chỉ có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi quyết định này của Trump, tuyên bố rằng tên của ông Trump sẽ gắn liền với lịch sử lâu đời của Jerusalem đồng thời kêu gọi các nước khác làm theo Washington.
Khó xử cho nhiều bên
Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời giới phân tích chính trị Palestine cho rằng, Mỹ đã “khai tử” vai trò bảo trợ của mình đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Chuyên gia Hani al-Masri từ Ramallah nhận định: “Phát biểu của Trump cho thấy chính quyền của ông ta không còn gắn bó với vai trò truyền thống của Mỹ về vấn đề Israel-Palestine”. Ông Masri tiếp tục nhận định động thái của Trump sẽ không làm thay đổi “tính hợp pháp được quốc tế công nhận của Jerusalem là vùng đất bị chiếm đóng”, nhưng sẽ gây ra những phản ứng gay gắt từ Palestine cũng như thế giới Hồi giáo và Arab.
Với Palestine, Tổng thống Mahmud Abbas nói, ông Trump đã tước bỏ vai trò của Mỹ là trung gian truyền thống trong nỗ lực hòa giải Trung Đông. Trong một tuyên bố chung với Quốc vương Jordan Abdullah II ngày 7/12, hai bên khẳng định “bất kỳ biện pháp nào phá hủy vị thế pháp lý và lịch sử của Jerusalem đều không có hiệu lực” đồng thời cảnh báo rằng quyết định của Trump “sẽ tạo ra những hậu quả nguy hiểm”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyid Erdogan cho rằng quyết định này sẽ đặt toàn khu vực vào một “vòng lửa”. Hãng tin AFP tiếp tục nhận định, các đồng minh Arab của Mỹ cảm thấy bị mắc kẹp giữa mối quan hệ gần gũi của họ với Washington và sự tức giận sau quyết định của Trump. Các nước như Ai Cập, Saudi Arabia và Jordan vốn có quan hệ gần gũi với Trump hoặc phụ thuộc về mặt kinh tế đối với Mỹ, đã bị đẩy vào tình thế khó xử trước động thái gây tranh cãi này.
Mặc dù có những lời lẽ lên án song dường như các đồng minh Arab của Washington sẽ không có hành động mạnh mẽ hơn hoặc liều lĩnh thay đổi chính sách đối ngoại của họ với Mỹ. Giám đốc Trung tâm Al-Quds nghiên cứu về chính trị ở Amman ông Oraib al-Rantawi, nhận định: “Quyết định của Trump gây ra sự khó xử nghiêm trọng đối với các nước đồng minh với Washington, dường như họ sẽ không thúc đẩy hành động nào để ngả theo quyết định của Mỹ”. Ví dụ, bước đi của Trump là một cái tát đau với Jordan vốn có vai trò giám sát các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem.
Saudi Arabia gọi điều này là “phi lý và vô trách nhiệm”. Mặc dù muốn chứng kiến một thỏa thuận hòa bình với Israel, có mối quan hệ gần gũi hơn với Israel nhưng Riyadh không muốn có được những điều này bằng mọi giá. Đây là nhận định của chuyên gia Giorgio Cafiero, Giám đốc tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Gulf State Analytics có trụ sở ở Washington. Chuyên gia về Trung Đông thuộc Đại học Wurzburg, ông James Dorsey cho rằng phía sau hậu trường, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman có mối quan hệ hữu hảo với con rể kiêm trợ lý của Trump là Jared Kushner, người chịu trách nhiệm tạo ra những bước đi mới nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Palestine và Israel. Ông James nhận định: “Trong bối cảnh này, Saudi Arabia sẽ đảm bảo các nước Arab ủng hộ một kế hoạch hòa bình do ông Kushner đề xuất”.
“Nén giận”
Đối với các đồng minh phương Tây, quyết định của Trump khiến nhiều nước phải “nén giận”, chật vật tìm cách phản ứng phù hợp. Thủ tướng Đức Angela Markel nói, “chúng tôi… không tán thành quyết định này”. Dù tức giận, Anh chỉ nói rằng động thái này là “vô ích”; còn Pháp thì coi đây là hành động “đáng tiếc”. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cho rằng quyết định của Trump có thể đẩy toàn khu vực “quay trở lại thời kỳ đen tối hơn nữa”. Trong khi đó, Nga coi động thái này là “mối quan ngại nghiêm trọng”.
Tân Hoa xã dẫn lời nhà phân tích chính trị tại Ramallah, ông Muhammad Abdul Hamid, nhận định quyết định của Trump là một bước ngoặt đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. “Quan điểm của Trump đã hủy hoại vai trò cân bằng thực sự của Mỹ trong tiến trình hòa bình này vì quyết định của Trump đã công nhận sự chiếm đóng của Jerusalem và không có ý nghĩa gì trong việc thiết lập một nhà nước Palestine mà thủ đô không phải là Jerusalem”.
Ngoài ra, chuyên gia này chỉ ra rằng quan điểm của Trump là bắt nguồn từ nghị quyết Quốc hội Mỹ hồi năm 1995 vốn kêu gọi chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem và rằng nghị quyết này không có cơ sở pháp lý nào. Đồng quan điểm, Giáo sư khoa học chính trị Ghassan al-Khatib từ Đại học Birzeit tại Ramallah nhận định: “Quyết định của Mỹ về Jerusalem đã triệt tiêu mọi cơ hội cho tiến trình hòa bình Trung Đông vốn do Washington bảo trợ và quyết định này cũng khẳng định rằng ý tưởng của Mỹ, vốn được nung nấu từ nhiều tháng qua, đã không có tác dụng gì đối với tiến trình này”.
Theo AFP, các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, từ Bill Clinton đến George Bush, đều đưa ra lời hứa tương tự song nhanh chóng “quên” đi lời hứa này khi chính thức làm chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, bằng quyết định này, cùng với việc khởi động quá trình chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, Trump đã thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình, để thỏa lòng giới cử tri người Do Thái cánh tả và người Cơ đốc theo phái Phúc Âm.
Reuters thì cho rằng quyết định của Trump đã đảo ngược chính sách của Mỹ về hòa bình Trung Đông được triển khai trong khoảng 70 năm qua. Đây là quyết định không cần thiết nhất mà Trump đã đưa ra trong thời gian tại nhiệm và sẽ để lại hậu quả trên phạm vi toàn thế giới về lâu về dài, sau khi ông Trump rời nhiệm sở…