Dù tình hình đã được kiểm soát, nhưng những biến động lần này cho thấy Iran bước vào năm 2018 với nhiều thách thức.
Kết thúc biểu tình bạo loạn
Ngày 3/1, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố làn sóng bất ổn diễn ra tại nước Cộng hòa Hồi giáo trong vài ngày qua đã kết thúc, và tổng cộng đã có 15.000 người tham gia các hoạt động này trên trên toàn quốc.
Trên trang mạng của IRGC, người đứng đầu lực lượng này Mohammad Ali Jafari nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta có thể tuyên bố sự kết thúc của các hoạt động nổi loạn. Có tối đa 1.500 người tại mỗi địa điểm xảy ra nổi loạn, số người gây rối không vượt quá 15.000 trên toàn quốc. Nhiều đối tượng gây rối chủ chốt, được các phần tử phản cách mạng huấn luyện, đã bị bắt giữ và sẽ bị trừng trị thích đáng". Ông Jafari khẳng định IRGC chỉ can thiệp “một cách giới hạn” tại các tỉnh Isfahan, Lorestan và Hamedan.
Trước đó cùng ngày, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cho rằng các kẻ thù của quốc gia này đã can thiệp vào các cuộc biểu tình, nhấn mạnh các kẻ thù luôn tìm kiếm cơ hội cũng như bất kỳ kẽ hở nào để xâm nhập và tấn công Iran, bằng cách sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như chính trị, vũ khí, vật chất để "tạo ra những rắc rối cho hệ thống Hồi giáo". Ông không nêu rõ quốc gia nào, nhưng nói rằng sẽ giải thích kỹ hơn trong tương lai gần.
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Mashhad - thành phố lớn thứ 2 của Iran hôm 30/12 vừa qua trước khi lan rộng ra các thành phố khác. Một trong những yêu sách của những người biểu tình là cải thiện điều kiện sống của người dân, giải quyết tình trạng thất nghiệp và tham nhũng kinh tế... Tuy nhiên, bạo loạn và đụng độ trong biểu tình đã diễn ra một số tỉnh, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 450 người biểu tình quá khích tại thủ đô Tehran.
Những phản ứng liên quan
Trước tình hình bạo động, ngày 1-1-2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định người dân có quyền thể hiện quan điểm, song mọi hành động không được dẫn tới bạo lực và không được làm tổn hại tới tài sản công cộng; tuyên bố lực lượng chức năng nước này sẽ trừng trị "những đối tượng gây rối và vi phạm pháp luật". Ông Rouhani cũng đưa ra cam kết nỗ lực giải quyết những vấn đề kinh tế còn tồn tại ở Iran để trấn an người dân.
Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh an ninh và ổn định của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran phụ thuộc vào chính người dân của nước này, đồng thời tuyên bố "những kẻ xâm nhập" sẽ không được phép xâm phạm các quyền của người dân Iran. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, ông Ali Shamkhani cáo buộc Mỹ, Israel và Saudi Arabia là 3 nước đừng đằng sau các vụ bạo loạn trên.
Đại sứ Iran tại LHQ Gholamali Khoshroo cũng cáo buộc Washington can thiệp vào vấn đề nội bộ nước CH Hồi giáo này. Trong một lá thư gửi HĐBA LHQ và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Đại sứ Khoshroo cho rằng Mỹ đã "tăng cường những hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ Iran dưới lý do hỗ trợ một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ", tạo điều kiện để những kẻ chống phá lợi dụng tình hình, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như những nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Đại sứ Khosroo chỉ trích những phát biểu trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cho rằng đây là những phát ngôn thái quá, xúi giục người dân Iran tham gia vào những hành động nổi loạn.
Ngay lập tức, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã phản bác quan điểm cho rằng các cuộc biểu tình ở Iran là do bên ngoài "đạo diễn". Một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ cũng cho biết Nhà Trắng dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran liên quan tới làn sóng bất ổn tại nước CH Hồi giáo trong vài ngày qua. Quan chức trên cho biết chính quyền Washington đang đánh giá tình hình, dự kiến sẽ bắt đầu thu thập thông tin để làm cơ sở đưa ra các cơ chế trừng phạt.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) |
Cộng đồng quốc tế quan ngại
TTK LHQ Guterres bày tỏ quan ngại trước làn sóng biểu tình bạo loạn khiến nhiều người thiệt mạng tại Iran, đồng thời kêu gọi người dân cũng như lực lượng an ninh của nước CH Hồi giáo tránh những hành động bạo lực.
Người phát ngôn của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết: "Chúng tôi đã liên lạc với nhà chức trách Iran, và chúng tôi hy vọng quyền biểu tình hòa bình và tự do ngôn luận sẽ được bảo đảm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến". Tuy nhiên, người phát ngôn này không nói cụ thể cách thức EU sẽ phản ứng thế nào nếu các kỳ vọng của khối này không được đáp ứng.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nước này hy vọng các cuộc biểu tình quy mô lớn đang diễn ra tại Iran sẽ không tiếp diễn theo chiều hướng bạo lực cực đoan, đồng thời phản đối "bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào tình hiện nay" ở quốc gia Trung Đông này.
Liên quan đến tình hình tại quốc gia láng giềng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết sự ổn định và an ninh của Iran rất quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Trump đang hậu thuẫn các cuộc biểu tình tại Iran.
Căn nguyên sâu xa
Nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình được cho là nền kinh tế quản lý yếu kém triền miên tại Iran. Lạm phát, thất nghiệp, tham nhũng và nhiều năm hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran đã khiến hệ thống tài chính tại nước này trở nên thiếu minh bạch.
Chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của ông Rouhani vào năm 2013 được định hình với mục tiêu hoàn tất thỏa thuận hạt nhân và giúp nền kinh tế Iran thoát khỏi những kìm kẹp của lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, dù các lệnh cấm vận đã làm trầm trọng thêm các vấn đề "thâm căn cố đế" về cơ cấu của nền kinh tế đa phần thuộc sự quản lý của nhà nước này, song đó lại không phải nguyên nhân gốc rễ gây nên những căn bệnh trầm kha.
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại Iran hiện nay ở vào khoảng 12%. Trong khi đó tỷ lệ lạm phát từ sau cuộc cách mạng 1979 dao động trong khoảng từ 17% (thập niên 1980) cho tới đỉnh điểm là 49% (thập niên 1990). Đầu những năm 2000, lạm phát được kiềm chế ở mức 15% song sau đó lại tăng vọt tới 30% khi ông Mahmoud Ahmadinejad làm tổng thống, trong giai đoạn giá dầu tăng cao và đồng nội tệ Iran bị giảm giá trị tới hơn 450%. Chính quyền Tổng thống Rouhani đã có những thành tựu nhất định trong việc kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 10% như hiện nay, và nền kinh tế Iran cũng đã hồi phục tương đối kể từ khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào năm 2015. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cũng dự báo nền kinh tế Iran sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2018. Những cuộc biểu tình bùng phát một phần vì giá cả hàng hóa leo thang khiến sức mua đi xuống trong khi trợ cấp bị cắt giảm. Những người ủng hộ Tổng thống Rouhani cho rằng cần phải có thời gian thì nền kinh tế mới đi vào ổn định và những người dân thường Iran mới có thể nhận thấy lợi ích từ việc trừng phạt được dỡ bỏ. Trong khi đó, những người biểu tình đã thất vọng hoặc không hài lòng với các cải cách của chính phủ khi không giúp Iran thoát khỏi tình trạng suy sụp kinh tế.
Đáng chú ý là các diễn biễn xảy ra khi Iran được cho là đang giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, kinh tế và ảnh hưởng ở khu vực khi giúp củng cố lực lượng Chính phủ Syria, Lebanon, mở rộng quan hệ và ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh.
Về dài hạn, vấn đề nội bộ và đường lối đối ngoại sẽ quyết định tình hình Iran trong thời gian tới. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Rowhani đã đưa ra những tham vọng thậm chí còn lớn hơn nhiệm kỳ đầu của mình như chỉnh sửa hệ thống ngân hàng hiện đang gặp khó bởi các khoản cho vay bất động sản xấu, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt còn lại của quốc tế liên quan đến những vấn đề như chương trình tên lửa đạn đạo và nhân quyền cũng như giải quyết các bất đồng với Mỹ, Israel. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, nhiệm vụ này khó có thể thực hiện được. Đồng thời, chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Iran tới đây chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều sức ép trong nước, khi phe bảo thủ vẫn kiểm soát các lực lượng an ninh và tư pháp./.