Những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 chưa kịp khắc phục xong thì người dân huyện Gia Lâm lại thấp thỏm lo nước lũ tràn vào nhà lúc nửa đêm.
Ông Nguyễn Văn Hà, một người dân ở thôn 7, xã Đông Dư, kể: "Mưa như trút nước liên tục từ sớm cộng với một số nhà máy thủy điện xả lũ khiến suốt đêm 10/9 cả nhà tôi không ai dám chợp mắt. Đây là vùng thấp ở bãi ngoài nên rất dễ bị nước tràn vào nhà khi nước sông Hồng dâng cao”.
Lực lượng công an, quân sự cùng người dân chủ động gia cố đê |
23h ngày 10/9, lũ trên sông Hồng đã ở mức báo động II và vẫn tiếp tục lên nhanh, nguy cơ xảy ra ngập lụt trên diện rộng là rất lớn. Trưa 11/9, lũ sông Hồng đạt đỉnh, cách mức báo động 3 chừng 30cm.
Ông Trương Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện, phó Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện Gia lâm cho biết: Đã lâu lắm rồi nước sông Hồng, sông Đuống mới lên cao như thế, lãnh đạo huyện đã bám sát chỉ đạo của Thành phố chủ động lên các phương án phòng chống sạt lở, bảo vệ đê điều, chống úng ngập cũng như phương án di dời những hộ dân trong vùng nguy hiểm, quyết không để xảy ra thiệt hại về người.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm kiểm tra bồi đắp, gia cố đê bối tại xã Lệ Chi |
Tại xã Kim Sơn, nhiều gia đình ngoài bãi đã hoàn tất việc chuyển mọi vật dụng cần thiết lên trần nhà để phòng mưa lũ gây ngập lụt kéo dài. Bà Nguyễn Thị Nga ở thôn Ngổ Ba cho biết: "Hai cái bàn lớn của nhà tôi đã được kê cao để đặt bếp và cất giữ những vật dụng cần thiết. Mặc dù đã trải qua nhiều đợt mưa lũ song suốt đêm 10/9, cả nhà tôi không ai dám chợp mắt…".
Lực lượng công an, quân sự giúp người dân thôn 7, xã Đông Dư, ngăn nước vào nhà |
Công an huyện Gia Lâm đã điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ giúp các xã phòng chống lũ lụt và ngăn ngừa các loại tội phạm lợi dụng trộm cắp tài sản của nhân dân.
Sáng 11/9, một số trường học trên địa bàn các xã ven sông Hồng, sông Đuống của huyện Gia Lâm được thông báo nghỉ học hoặc chuyển qua học trực tuyến.