Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cùng các đại biểu tham quan các gian hàng OCOP bên lề Hội nghị. |
Hơn 621 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng ít nhất 15 đơn vị cấp huyện so với năm 2022), có 7 - 8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.000 sản phẩm so với năm 2022).
Thông tin tại Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng điều phối (VPĐP) nông thôn mới (NTM) các cấp do Bộ NN&PTNN tổ chức ngày hôm qua, 17/2, ông Ngô Trường Sơn, Chánh VPĐP NTM TW cho biết, tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, đến tháng 12/2022, cả nước huy động được khoảng 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 1,3 lần so với năm 2021), trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 77.397,8 tỷ đồng; Vốn ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ là 11.000 tỷ đồng, chiếm 1,8% (trong đó: Vốn đầu tư: 9.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp: 2.000 tỷ đồng); Vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình khoảng 66.397,8 tỷ đồng, chiếm 10,7%; Lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác 49.967 tỷ đồng, chiếm 8%; Tín dụng 436.738 tỷ đồng, chiếm 70,3%; Doanh nghiệp 35.503 tỷ đồng, chiếm 5,7%; Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp là 21.848 tỷ đồng, chiếm 3,5%.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nếu tính giai đoạn 2010 - 2020, đã có khoảng 2 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) nông thôn. “Nguồn NSTW chỉ chiếm ba mấy phần trăm thôi, nhưng các nguồn hỗ trợ khác là rất lớn” - Thứ trưởng Nam đánh giá và cho biết, nhiều địa phương đã giải ngân 80 - 90% kế hoạch. “Kết quả triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2021 là đà để tiếp tục triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Theo Báo cáo của VPĐP NTM TW, đến nay cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), 18 tỉnh, thành phố trực thuộc TW có 100% số xã đạt chuẩn NTM, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như: Đồng bằng sông Hồng: 100%, Đông Nam Bộ: 92,6% trong khi đó miền núi phía Bắc mới đạt 47,5%, Tây Nguyên 57,8%; vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã NTM”, trong đó, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) bình quân mới đạt 6,9 tiêu chí/xã.
Một góc huyện NTM Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. |
Nhiều vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ
Tại Hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong đó có vấn đề kinh phí.
Theo đại diện tỉnh Quảng Nam, với các huyện đồng bằng thì đã có 90-100% số xã đạt chuẩn NTM, các xã chưa đạt đều thuộc xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), huyện miền núi cao (thuộc địa bàn đầu tư của 2 Chương trình MTQG là phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững), tuy nhiên các xã này hiện nay không được phân bổ vốn NSTW từ Chương trình NTM mà phải sử dụng nguồn từ 2 Chương trình MTQG còn lại, tuy nhiên 2 Chương trình này cũng cần cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu của từng Chương trình nên việc lồng ghép để xây dựng NTM còn khó khăn.
“Nếu 1 xã ĐBKK có 10km đường xã, để đạt chuẩn NTM thì 100% đường xã này phải được đầu tư bê tông hóa; nếu vốn Chương trình MTQG giảm nghèo đầu tư 4km, Chương trình MTQG phát triển KTXH miền núi đầu tư 4km; còn lại 2km thì Chương trình NTM phải đầu tư thì mới đạt chuẩn, nhưng đầu tư từ NSTW sẽ không được; vậy có chồng chéo, trùng lặp về phạm vi (đều đầu tư địa bàn ĐBKK), đối tượng (đều đầu tư hạ tầng), nội dung (đều đầu tư đường giao thông) giữa các Chương trình MTQG?” - đại diện Quảng Nam nêu thực tế.
Đồng tình khi cho rằng xây dựng NTM không có điểm kết thúc, từ xây dựng NTM đến NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đại diện Tây Ninh cho rằng cần có kinh phí để duy trì NTM bởi tập trung kinh phí cho NTM nâng cao, kiểu mẫu thì các xã NTM sẽ bị rớt tiêu chí và việc xây dựng NTM sẽ không thực chất. Đại diện Tây Ninh ví dụ tiêu chí liên quan đến bảo hiểm y tế. Theo đó, có thể tại thời điểm được công nhận NTM tiêu chí này đạt, nhưng 6 tháng người dân không được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế thì chỉ tiêu NTM bị rớt…
Đại diện Hải Phòng đặc biệt nhấn mạnh nguồn lực của dân đóng góp cho Chương trình là rất lớn, nhất là nhiều người dân đã hiến hàng nghìn m2 đất cho xây dựng NTM. Tuy nhiên, Hải Phòng đang vướng mắc trong triển khai Thông tư 53/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ NSTW thực hiện Chương trình MTQG XD NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đại diện Hải Phòng đề nghị VPĐP NTM TW cần có ý kiến với Bộ Tài chính để tháo gỡ.
Ghi nhận ý kiến của các địa phương, Chánh VPĐT NTM TW Ngô Trường Sơn cũng cho rằng về phía địa phương, một số địa phương còn chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp, một số địa phương còn lúng túng thực hiện cơ chế lồng ghép nội dung, nguồn lực của 2 Chương trình MTQG, một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Đơn cử như theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình đến hết tháng 12/2022 mới đạt 47,3%.
Tại Hội nghị, VPĐP NTM TW đề nghị VPĐP NTM cấp tỉnh tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch vốn NSTW (vốn đầu tư phát triển trong nước, vốn nước ngoài, vốn sự nghiệp) năm 2023, trong đó ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các mô hình chỉ đạo điểm của TW thuộc các chương trình chuyên đề; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn NSTW được giao trong năm 2023 (bao gồm các nguồn vốn năm 2022 được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2023) đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; chủ động tham mưu cân đối, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã); lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 02 Chương trình MTQG còn lại và các chương trình, dự án khác để ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM giữa các vùng, miền; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục khuyến khích cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng NTM; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện cho nội dung cụ thể, do HĐND xã thông qua…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan:
Dư địa, tiềm năng trong phát triển nông thôn mới là rất lớn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mọi sự đổi mới bắt đầu từ sự năng động của các địa phương. Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự "đồng phục hóa" ở các địa phương trên khắp 63 tỉnh thành. Trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có những cách thức tiếp cận mới hơn. Bởi nếu làm được thì dư địa, tiềm năng của chúng ta trong phát triển NTM sẽ là rất lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần kết nối với nhau để giao lưu, tương tác cũng như cùng nhau chia sẻ thông tin, bài học, cách làm hay. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, muốn địa phương năng động thì thủ lĩnh phải năng động.
Bộ trưởng cho rằng, từ hội nghị hôm nay, cần nhìn lại cách tiếp cận NTM. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn.
Đồng thời, đánh giá cao sáng kiến của các địa phương, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: NTM chính là sức sống mới mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Vừa qua những mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay. Xây dựng NTM là cho chính mình và cho thế hệ mai sau...