CSGT sẽ tập trung trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, tỉnh lộ, tuyến liên xã; các tuyến vận tải hàng hóa từ các cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga; các tuyến đường thường xuyên có phương tiện vi phạm về chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện hoạt động; địa bàn, khu vực khai thác khoáng sản, mỏ đá, mỏ cát, các trạm trộn bê tông, nhà máy sản xuất xi măng, gạch, thép, công trình xây dựng…
Đối tượng xử lý gồm người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo theo) vi phạm chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông; điều khiển xe có tổng trọng lượng vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường; chở hàng vượt quá khổ giới hạn của xe, cầu, đường; điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơmi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe; xe ô tô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng vi phạm các quy định khi tham gia giao thông...;
Chủ phương tiện có hành vi vi phạm tương ứng với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, CSGT đồng thời phối hợp, đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động trên đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại… Khi gặp các hành vi chống đối, CSGT chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Kế hoạch được triển khai trên cả nước đến 14/12/2022.