Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Thường trực Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam cho biết, với sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học ở các lĩnh vực, đến nay Đề án đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành, trong đó xác định số lượng mục từ cần biên soạn là khoảng 60.000 mục từ. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện theo cách biên soạn truyền thống, chỉ có sự tham gia của các nhà khoa học sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành được Đề án.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cũng như những điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, Đề án sẽ thay đổi phương thức thực hiện theo hướng mở, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Với cách làm này sẽ huy động được trí tuệ của toàn xã hội, các nhà khoa học chung tay biên soạn các mục từ, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, hiện Đề án phát triển hệ tri thức Việt số hóa đã xây dựng nền tảng phần mềm (tạm gọi là Bách khoa toàn thư mở) để kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng cùng tham gia biên soạn.
“Có những lo ngại nhất định về tính khoa học, tính chính xác, độ tin cậy của các mục từ do cộng đồng tham gia xây dựng. Điều này sẽ được khắc phục, bởi quá trình biên soạn có sự kết hợp giữa sự tham gia của cộng đồng và các chuyên gia, nhà khoa học. Thực tế, việc xây dựng Bách khoa toàn thư không hoàn toàn dựa vào cộng đồng, mà có cả sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học với vai trò phản biện, biên tập một cách thận trọng” - Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh chia sẻ.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1262/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, gồm 35 quyển (nay là 38 quyển), với trên 70 ngành khoa học thuộc các khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên và công nghệ, Nghệ thuật, Quốc phòng an ninh… Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam được biên soạn nhằm mục tiêu góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.