Hướng tới “Net Zero” năm 2050: Tháo gỡ vướng mắc trong kiểm kê khí nhà kính

Các phương tiện giao thông vận tải phát thải một lượng lớn khí CO2. (Ảnh: Đỗ Trang)
Các phương tiện giao thông vận tải phát thải một lượng lớn khí CO2. (Ảnh: Đỗ Trang)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024, chính thức ban hành danh mục cập nhật các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê. Trong cuộc hành trình đầy thách thức tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, động thái này đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận, nhất là các ngành năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, nông - lâm nghiệp, công nghiệp nặng, xử lý chất thải,…

Hàng ngàn cơ sở phải “đo dấu chân carbon của mình”

Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2024, thay thế Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022, yêu cầu các cơ sở phát thải khí nhà kính sẽ bắt đầu thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2025. Danh mục bao gồm 2.166 cơ sở, thuộc 6 lĩnh vực phát thải chủ yếu. Lĩnh vực năng lượng gồm công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên. Các quá trình công nghiệp bao gồm sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất đề cập tới chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp. Lĩnh vực chất thải bao gồm bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải. Ngoài ra, Danh mục còn đề cập tới tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Các cơ sở phát thải này phải thực hiện kiểm kê và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở thuộc quyền quản lý của mình thực hiện kiểm kê và báo cáo theo quy định. Mục tiêu là bảo đảm rằng tất cả các cơ sở trong danh mục đều thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính, góp phần kiểm soát tổng lượng phát thải quốc gia.

Đây được xem một bước đi cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Việc cập nhật danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính không chỉ giúp tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của các ngành công nghiệp lớn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Tài nguyên Chính sách và Môi trường, quyết định lần này chỉ căn cứ vào mức độ phát thải của doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp có phát thải lớn trên 3.000 tấn CO2 một năm, cho tới năm 2030. Những doanh nghiệp đến năm 2050 phát thải trên 1.500 tấn CO2 một năm sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải. Nhiều chương trình về nâng cao nhận thức và đào tạo đã được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị.

Liệu có thực sự giải quyết vấn đề phát thải?

Ngành Chăn nuôi cũng thuộc danh mục kiểm kê, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó với “bài toán” chi phí. (Ảnh: Linh Chi)

Ngành Chăn nuôi cũng thuộc danh mục kiểm kê, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó với “bài toán” chi phí. (Ảnh: Linh Chi)

Mặc dù Quyết định 13/2024/QĐ-TTg đặt ra một khung pháp lý rõ ràng, việc triển khai trên thực tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Điều khiến phần đông dư luận quan tâm là liệu quyết định này có thực sự giải quyết được vấn đề phát thải khí nhà kính, hay lại trở thành một gánh nặng mới cho các doanh nghiệp?

Một vấn đề cần xem xét là khả năng thực hiện của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu mới. Mặc dù quyết định này nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và cải thiện hiệu suất môi trường, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để thực hiện các biện pháp này. Đối với các doanh nghiệp, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính có thể yêu cầu sự đầu tư vào hệ thống giám sát và báo cáo chặt chẽ, cùng với đó là một lượng tài chính và nhân lực không nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí năng lượng và cải thiện hình ảnh thương hiệu. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu này. Điều này có thể tạo ra một gánh nặng mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức. Các doanh nghiệp nhỏ có thể cảm thấy bị bất công nếu họ phải chịu trách nhiệm giống như các doanh nghiệp lớn, trong khi khả năng tài chính và kỹ thuật của họ bị hạn chế hơn nhiều. Nếu không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, rất có thể sẽ xuất hiện tình trạng không tuân thủ hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của Quyết định.

Đơn cử, theo đề xuất của Hội Chăn nuôi Việt Nam, lĩnh vực chăn nuôi chưa đưa vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính, ít nhất là từ nay tới năm 2027, dù điều này không có nghĩa là ngành Chăn nuôi đứng ngoài cuộc giảm phát thải. Sau cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong 5 đề án trọng tâm là Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi, định hướng chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm ô nhiễm, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp chăn nuôi đã phản ánh về “bài toán” chi phí kiểm kê, cùng kiến thức kiểm kê vẫn còn quá sơ sài, nên chưa thể thực hiện báo cáo.

Theo ý kiến chuyên gia và nhiều doanh nghiệp, các quy định pháp luật về kiểm kê khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu cần cân nhắc đến vấn đề công bằng trong việc phân bổ trách nhiệm giảm phát thải, cũng như tính hiệu quả trong thực thi các quy định mới. Việc tập trung vào các cơ sở phát thải lớn là hợp lý, nhưng liệu có bảo đảm rằng tất cả các nguồn phát thải khác, bao gồm cả những nguồn nhỏ lẻ nhưng tổng lượng phát thải lớn, cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ? Nếu chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định mà không có cái nhìn tổng quan hơn về toàn bộ nền kinh tế, liệu quy định hiện hành có thể bỏ sót một số nguồn phát thải đáng kể khác hay không? Chẳng hạn trong lĩnh vực chất thải, có nhiều bãi chôn lấp rác thải tự phát, không thuộc sự quản lý của cơ sở nào, nên không thể kiểm kê khí nhà kính, dù đây vẫn có thể là một nguồn phát thải lớn. Hơn nữa, việc giám sát và xác minh tính chính xác của các báo cáo này là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có một cơ chế giám sát hiệu quả và minh bạch, rất có thể xảy ra tình trạng các báo cáo kiểm kê được thực hiện qua loa, không phản ánh đúng thực trạng phát thải, từ đó làm giảm hiệu quả của chính sách.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất rằng thay vì chỉ tập trung vào việc áp đặt các yêu cầu kiểm kê, một cách tiếp cận theo hướng khuyến khích và hỗ trợ có thể mang lại hiệu quả tốt hơn. Chính phủ có thể xem xét cung cấp các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tư vấn cho các doanh nghiệp để họ có thể thực hiện các biện pháp giảm phát thải một cách hiệu quả và bền vững. Việc thúc đẩy hợp tác công - tư, kêu gọi đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và các giải pháp công nghệ xanh cũng là những biện pháp có thể giúp giảm thiểu phát thải mà không tạo ra gánh nặng quá lớn cho các doanh nghiệp.

Nhìn chung, Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm, đồng tình của phần đông dư luận. Tuy nhiên, để quyết định này thực sự mang lại hiệu quả trên thực tế, cần có sự xem xét kỹ lưỡng về tính khả thi và các biện pháp hỗ trợ cần thiết. Việc kiểm kê và báo cáo khí nhà kính chỉ có thể mang lại kết quả tích cực, không phải để đối phó, nếu được thực hiện trong một khuôn khổ pháp lý minh bạch, công bằng và được hỗ trợ bởi các biện pháp khuyến khích và đầu tư hiệu quả từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Nhìn xa hơn, nếu chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật thì có lẽ các ngành, lĩnh vực đã có thể triển khai được từ lâu. Tuy nhiên, để giải quyết yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính của cả quốc gia, vấn đề nằm ở tính đồng bộ, đồng thuận, thống nhất trong nhận thức chung, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định, hướng dẫn chi tiết từ các Bộ, ban, ngành Trung ương tới địa phương.

Tin cùng chuyên mục

Bão số 8 suy yếu ngay trên biển Đông. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia

Xuất hiện bão mới gần biển Đông

(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trong khoảng 24 giờ tới, bão số 8 sẽ suy yếu thành vùng áp thấp tại phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Tuy nhiên, gần biển Đông lại xuất hiện cơn bão có tên quốc tế là USAGI.

Đọc thêm

Cảnh sát cứu 1 phụ nữ trong đám cháy rừng

Cảnh sát cứu 1 phụ nữ trong đám cháy rừng
(PLVN) - Trong quá trình dập tắt đám cháy rừng tại thành phố Yên Bái, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã cứu sống 1 phụ nữ mắc kẹt trong đám cháy.

Bão số 8 sắp vào biển Đông, 2 cơn bão mới lại 'đe doạ'

Hiện tại ở khu vực phía Đông của Philippines đang có tới 2 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Ảnh: VNDMS
(PLVN) - Cơn bão TORAJI nhiều khả năng sẽ di chuyển vào biển Đông trong khoảng chiều tối đến đêm 11/11. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện đề nghị loạt Bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó. Hiện khu vực phía Đông của Philippines còn 2 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động...

Ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng động vật hoang dã ở Việt Nam: Pháp luật và ý thức cần song hành

Các hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, tàng trữ và buôn bán trái phép cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của gấu đều là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
(PLVN) - Nhằm đánh giá và xác định những vấn đề cấp bách cần được ưu tiên để xử lý hiệu quả tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, góp phần bảo vệ các quần thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và từng bước xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu, đầu tháng 11/2024, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt tài liệu thường niên “Những hành động cấp bách bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng năm 2024”.

Nỗ lực bảo tồn loài động vật hoang dã trong Sách đỏ Việt Nam

SVW phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tái thả 8 cá thể tê tê Java quý hiếm. (Nguồn: SVW)
(PLVN) - Tại Việt Nam, công tác bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói chung và bảo tồn tê tê nói riêng đã và đang được chú trọng hơn trước đây, đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó có cả những nỗ lực trong việc tăng cường thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và khắc phục những “lỗ hổng” pháp lý, nâng cao khung hình phạt.

Bão Yinxing đã đi vào biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của bão số 7. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, sáng sớm nay (8/11), bão YINXING đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024.