Tha kẻ có tội?
Tháng 12/1999, Chan Yiu Wah Bosco, quốc tịch Anh lấy danh nghĩa là đại diện Cty Trans Pacific (Đài Loan) ký với Cty cổ phần Hữu Nghị hợp đồng thuê 8 phòng ngủ của khách sạn Hữu Nghị, số 23 Quán Thánh, Hà Nội giá 2000 USD/tháng.
Sau khi ký hợp đồng, Chan đã nhờ Cty Hữu Nghị ký hợp đồng thuê bao 24 số máy điện thoại đặt tại các phòng cho thuê. Chan còn đề nghị được lắp một ăngten parabol để nhân viên cty xem bóng đá quốc tế. Ban lãnh đạo Cty Hữu Nghị do bà Khánh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã đáp ứng các yêu cầu của Chan - một khách hàng lớn. Tất cả chỉ biết Chan lắp điện thoại để sử dụng cho công việc và ăngten parabol để xem bóng đá quốc tế chứ không biết mục đích của Chan sử dụng các máy móc này làm gì khác.
Cùng thời gian thuê phòng của Cty Hữu Nghị, Chan còn sử dụng 6 phòng, tại số 4 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Cty cổ phần Sông Hồng do Nguyễn Đức Quang làm giám đốc. Hợp đồng thuê phòng do ông Trần Văn Tiến, cán bộ VKSND TP Hải Phòng đứng ra ký. Ngoài ra, ông Tiến còn mang đến một ăngten parabol mua từ người bán đồng nát về lắp tại tầng thượng của khách sạn. Giống như bà Khánh, ông Quang cũng đứng ra ký hợp đồng thuê bao 50 số điện thoai tại các phòng mà Tiến thuê cho Chan sử dụng.
Cùng với sự giúp đỡ của Lê Công Hoàng, Trần Văn Tiến, Chan đã lắp đặt ăngten parabol cùng một số thiết bị kỹ thuật khác tạo thành một trạm truyền dẫn tín hiệu viễn thông, kết nối với các số điện thoại thuê bao của Bưu điện Hà Nội (trạm VSAT) tại số 4 Trần Hưng Đạo. Tiến còn giúp Chan vận hành và che dấu sự tồn tại của trạm này. Trạm VSAT này hoạt động chưa đầy một tháng thì bị phát hiện.
Tháng 5/2000, Chan xuất cảnh khỏi Việt Nam cùng thời điểm cơ quan điều tra phát hiện hoạt động của các trạm VSAT do hắn lắp đặt tại 23 Quán Thánh và số 4 Trần Hưng Đạo. Trước khi rời Việt Nam, Chan bảo vợ là Nguyễn Thị Hương Giang và một người tên là Lê Trọng Hiệp tháo dỡ thiết bị tại số 23 Quán Thánh cất dấu; Thiết bị tại số 4 Trần Hưng Đạo do Tiến tẩu tán.
Tháng 7/2000, vụ án trộm cắp cước viễn thông được khởi tố. CQĐT đã khởi tố một loạt cá nhân có liên quan là Tiến, Bùi Ngọc Hải (phiên dịch của Chan), Lê Công Hoàng, Nguyễn Đức Quang và Mai Thị Khánh. Trong đó, bà Khánh bị cho là đồng phạm với Chan vì đã cho Chan lắp đặt ăng ten và ký thuê bao cho Chan sử dụng.
Tuy nhiên, đến khi có kết quả điều tra, VSKNDTC chỉ truy tố bà Khánh và Bùi Ngọc Hải. Ba bị can khác là Lê Công Hoàng, Trần Văn Tiến, Nguyễn Đức Quang được tha bằng quyết định đình chỉ điều tra vì chưa đến mức phải xử lý hình sự cho dù hành vi của các bị can này có đủ chứng cứ và phải xử lý theo khoản 3 của tội trộm cắp.
Hơn một thập kỷ buộc tội người vô can
Tại bản cáo trạng đầu tiên năm 2002, VKSNDTC buộc tội bà Khánh là đồng phạm giúp sức cho Chan thực hiện hành vi trộm cắp cước viễn thông với số tiền “ước tính” hơn 1 triệu USD. Nhưng khi hồ sơ được chuyển đến VKSND TP Hà Nội để truy tố tại tòa thì VKSND TP Hà Nội đã trả lại vì còn nhiều nội dung chưa rõ. Trong đó, có việc không xử lý đối với ba bị can Hoàng, Quang và Tiến là không đúng vì hành vi của các bị can này còn “rõ” hơn so hành vi của người bị truy tố, bà Khánh.
Bà Khánh bị ngất trong một phiên tòa |
Khi nhận hồ sơ, TAND TP Hà Nội cũng thấy lỗ hổng trong lời buộc tội của VKSNDTC. Buộc tội bà Khánh là “đồng phạm” với Chan nhưng lại không có chứng cứ chứng minh bà Khánh biết việc Chan thực hiện trộm cắp và giúp Chan lắp đặt, sử dụng trạm VSAT tại 23 Quán Thánh để trộm cắp. Hồ sơ được trả cho CQĐT để điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng này. Trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung, Tòa cũng nói rõ rằng, không có chứng cứ chứng minh ý bà Khánh “cùng cố ý phạm tội” với Chan. Tòa cũng nhấn mạnh, hành vi đồng phạm với Chan của các bị can được đình chỉ còn rõ ràng hơn.
Song CQĐT đã không điều tra được chứng cứ nào theo yêu cầu của Tòa án. Trong kết luận điều tra bổ sung, CQĐT cho rằng, cứ nhìn vào hành vi của bà Khánh thì sẽ thấy ý thức chủ quan của bà. Nghĩa là, việc bà Khánh đồng ý ký thuê bao điện thoại lắp thêm tại các phòng mà Chan thuê, cho Chan lắp đặt ăng-ten parabol để xem bóng đá là đã biết Chan thực hiện hành vi trộm cắp. Những việc làm của Chan sau này dẫu bà Khánh không biết gì cả thì cũng là “cùng cố ý phạm tội”?.
Nhưng, lý giải đầy vô lý của CQĐT không thể làm cho lời buộc tội trở thành đúng pháp luật. Từ khi khởi tố đến nay đã hơn 11 năm, sau nhiều lần điều tra bổ sung và điều tra lại, VKSNDTC vẫn không có thêm chứng cứ buộc tội. Lời buộc tội đối với bà Khánh bị chính tòa án nghi ngờ khi có đến gần 10 lần Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung và điều tra lại. Thế nhưng, VKSNDTC vẫn đeo đuổi lời buộc tội vô lý này cho dù những yêu cầu bổ sung đều không được cơ quan buộc tội chỉ ra được.
Theo Luật sư Chu Mạnh Cường, vụ án này người phạm tội là Chan đã bỏ trốn. Muốn xử lý người khác về tội phạm này với vai trò giúp sức thì phải chứng minh họ có lỗi và đồng phạm với Chan. Theo Điều 20, Bộ luật Hình sự, đồng phạm là việc cùng cố ý thực hiện tội phạm. Giữa những người đồng phạm phải biết rõ về hành vi phạm tội, cùng thực hiện một trong các công việc cần thiết để đạt được mục đích phạm tội. Như vậy, buộc tội bà Khánh là đồng phạm với Chan thì phải chứng minh bà Khánh biết hành vi của Chan là trộm cắp và giúp Chan thực hiện được mục đích trộm cắp đó. Nếu không chứng minh được điều này thì không buộc được tội bà Khánh.
Việc CQĐT cho rằng việc bà Khánh cho Chan lắp ăngten parabol, thuê số điện thoại cho Chan sử dụng đã chứng minh được ý thức phạm tội và hành vi đồng phạm giúp sức là suy diễn vô căn cứ, thể hiện sự bế tắc trong việc chứng minh lỗi và sự đồng phạm. Khi đề nghị được lắp ăng ten, Chan nói mục đích sử dụng là xem bóng đá và đề nghị lắp đặt thêm số điện thoại cũng không nói mục đích là để trộm cắp. Bà Khánh không thể biết được mục đích thực sự của việc Chan sử dụng các thiết bị đó là trộm cắp cước viễn thông. Do đó, không có việc “cùng cố ý thực hiện tội phạm” do bà Khánh không biết về việc làm của Chan.
Bình Minh