Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nhận định, Đồng Nai là địa phương phát triển sớm và đang thu hút nhiều cư dân cả nước đến sống và làm việc. Điều này cũng đặt ra cho Đồng Nai nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên toàn tỉnh, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng công an và quân đội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã luôn được đảm bảo. Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế cũng bộc lộ một số khó khăn và hạn chế, bao gồm cả những vấn đề khách quan và chủ quan. Những vấn đề này cần được nhận diện rõ ràng để đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Toàn cảnh hội thảo |
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quản Minh Cường đề nghị các lãnh đạo và đại biểu tham dự hội thảo nâng cao trách nhiệm, chủ động đóng góp ý kiến, đặc biệt là về những nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực được phân công phụ trách.
Tại hội thảo, nhiều tham luận từ các đại biểu đã tập trung phân tích và đánh giá sâu sắc tình hình ANTT, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác giữ gìn ANTT, hướng đến xây dựng một xã hội bình yên trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh ghi nhận, các ý kiến tham luận và trao đổi tại hội thảo đã góp phần bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề tài xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, đảm bảo an ANTT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó giúp làm rõ hơn những ưu điểm và hạn chế, đặc biệt là các hạn chế chủ quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như việc xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan trọng nhất là việc rà soát và đánh giá lại các biện pháp phòng, chống tội phạm. Đảng ủy Công an tỉnh phải tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cần xác định phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên.