Dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu phía Bắc và đại diện một số Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số kinh nghiệm, mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu quả cho đối tượng yếu thế như: PBGDPL qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, loa lưu động; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, cán bộ nòng cốt PBGDPL tại cơ sở; PBGDPL trong nhà trường, trong đó chú trọng đối tượng là học sinh trường dân tộc nội trú; phiên tòa giả định; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu… Nội dung PBGDPL cần thiết thực với đối tượng, cần khảo sát, nắm bắt nhu cầu pháp luật của đối tượng trước khi tổ chức PBGDPL.
Các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp PBGDPL cho đối tượng yếu thế. Đại diện Ủy ban Dân tộc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Chí Tuấn kiến nghị xây dựng các chương trình truyền hình, phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương; quy định rõ cơ chế, chính sách để xây dựng, bồi dưỡng kỹ năng gắn với sử dụng, nâng cao chất lượng báo cáo viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, hiểu biết về văn hóa, truyền thống, tập quán của người dân tộc thiểu số để tạo thuận lợi cho PBGDPL.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược cho rằng cần đề xuất được chính sách cụ thể bảo đảm kinh phí triển khai các hoạt động PBGDPL cho người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; chú trọng xây dựng lực lượng truyền truyền viên pháp luật ở cơ sở, cán bộ nòng cốt ở cơ sở, hòa giải viên. Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Văn Quả đề nghị sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trưng ương Đảng, Bộ Tư pháp cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản về PBGDPL cho đối tượng yếu thế. Đồng chí đề nghị cần tổng kết, đánh giá các đề án, chương trình về PBGDPL để ban hành chính sách cụ thể hơn về PBGDPL cho đối tượng yếu thế; đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất có mục chi riêng cho công tác PBGDPL; đưa nhiệm vụ này trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững).
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa Hoàng Văn Truyền cho rằng cần phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong định hướng nội dung, hình thức PBGDPL cho đối tượng yếu thế; chú trọng công tác xây dựng Kế hoạch PBGDPL cho đối tượng này theo hướng nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn. Đồng chí Mai Thị Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh cho rằng tăng cường sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với các cơ quan, tổ chức hội có liên quan đến đối tượng yếu thế là giải pháp quan trọng. Đánh giá cao công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, đồng chí Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình và đồng chí Mạc Đức Hạnh – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đề nghị tăng cường phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Giáo dục trong PBGDPL cho học sinh trường dân tộc nội trú.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng bên cạnh việc bảo đảm nguồn kinh phí riêng từ ngân sách nhà nước để triển khai công tác PBGDPL cho đối tượng này, cần huy động sự tham gia, hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức, cá nhân theo chủ trương xã hội hóa.
Kết luận Hội thảo, đồng chí chủ trì Hội thảo đã ghi nhận những ý kiến phát biểu có chất lượng, tâm huyết của các đại biểu; đề nghị các địa phương chú trọng công tác xây dựng kế hoạch theo hướng xác định rõ nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp, thiết thực với nhu cầu của đối tượng yếu thế; quan tâm bồi dưỡng kỹ năng PBGDPL chuyên biệt cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; gắn công tác PBGDPL cho đối tượng yếu thế với các chương trình, đề án có liên quan, tăng cường xã hội hóa để tăng cường nguồn lực. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật ghi nhận, tổng hợp những mô hình, hình thức PBGDPL có hiệu quả cho đối tượng yếu thế để tham mưu hướng dẫn, nhân rộng. Đối với các đề xuất, kiến nghị của địa phương, Vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất trong quá trình tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, trong đó tham mưu có chính sách cụ thể đối với công tác PBGDPL cho đối tượng yếu thế./