Theo đó, Nghị quyết dự kiến sẽ áp dụng đối với Tòa án, HTND và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện trang phục xét xử của HTND.
Đáng chú ý, về trang phục xét xử của HTND, Dự thảo đưa ra đề xuất: HTND được cấp trang phục xét xử, bao gồm: áo choàng dài tay; phù hiệu. Trang phục xét xử của HTND được cấp theo niên hạn. Cụ thể như sau: áo choàng dài tay: 05 năm/01 chiếc; phù hiệu: 05 năm/01 chiếc.
Cũng theo Dự thảo Nghị quyết, Chánh án TAND Tối cao trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm: quy định kiểu dáng, chất liệu, màu sắc trang phục xét xử. Đồng thời hướng dẫn về cấp phát, quản lý, sử dụng trang phục xét xử cho HTND.
Mẫu áo choàng đề xuất cho hội thẩm nhân dân |
Trước đây, theo quy định tại Nghị quyết số 221/2003/UBTVQH11 ngày 09/01/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-BTC ngày 08/10/2003 liên ngành TAND Tối cao và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 221/2003/UBTVQH11 và Công văn số 236/2003/TCCB ngày 26/11/2003 của Chánh án TAND Tối cao thì trang phục khi xét xử của Thẩm phán và HTND giống nhau. Điều này được cho phù hợp với các quy định của pháp luật, thể hiện vị trí ngang bằng trong thực thi công lý.
Tuy nhiên, đến ngày 13/6/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 quy định trang phục cấp phát cho HTND gồm trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơ mi trắng; trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay. Khi tham gia xét xử hoặc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, HTND sử dụng trang phục làm việc hàng ngày; cụ thể là: quần âu, áo sơ mi trắng (xuân, hè) và veston (thu, đông) không có trang phục xét xử riêng.
Theo đánh giá của TAND Tối cao, Nghị quyết 1214/2016/UBTVQH13 bổ sung trang phục xét xử dành riêng cho thẩm phán nhưng không quy định trang phục xét xử cho Hội thẩm, điều này dẫn đến: không đồng bộ, thống nhất trong tổ chức phiên tòa; có sự phân biệt về vị trí, vai trò giữa thẩm phán và hội thẩm không bảm đảm tính độc lập, ngang quyền khi tham gia xét xử; nhận thức sai lệch về vị trí, vai trò của hội thẩm trong HĐXX chỉ mang tính hình thức; hạn chế tính trang nghiêm của phiên tòa; hạn chế tiếng nói của người dân vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Được biết, tính đến nay, trong phạm vi toàn quốc 16.913 HTND. Các hội thẩm đều được cấp trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm để làm nhiệm vụ xét xử theo quy định.