Tham dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cùng nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành với hơn 650 đại biểu đến từ các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí trong toàn quốc.
Báo cáo tại hội nghị về công tác báo chí năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm 2017, báo chí đã bám sát mục tiêu, giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường thống nhất ý chí trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tạo động lực tinh thần để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội – an ninh – quốc phòng; thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế và là diễn đàn của nhân dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí trong việc chỉ đạo định hướng thông tin, Ban Tuyên giáo phối hợp với Bộ TTvà TT, Hội nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo kịp thời, nhất là những nội dung có tính chất quan trọng, một số vấn đề có tính chất phức tạp nhạy cảm..
Tuy nhiên, báo chí còn có những khuyết điểm, hạn chế. Điển hình là thông tin không đúng tôn chỉ mục đích, không đúng đối tượng phục vụ còn diễn ra. Không tập trung phản ánh hoạt động của ngành, lĩnh vực của mình mà sa đà phản ánh những vấn đề thuộc lĩnh vực khác đang tồn tại. Nhiều báo, tạp chí điện tử chủ yếu tập trung khai thác, phát tán những thông tin tiêu cực, thông tin một chiều gây búc xúc cho địa phương, danh nghiệp và cá nhân. Tính định hướng, chính luận trên báo chí chưa được coi trọng.
Nhiều thực trạng của công tác báo chí được Hội nghị phân tích, nhìn nhận |
Một số báo đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội, giật gân câu khách về những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng hoặc miêu tả các hành vi tội ác với nhiều chi tiết tỉ mỉ rùng rợn vẫn tiếp diễn, chưa khắc phục triệt để, gây nặng nề, u ám trong đời sống xã hội, gây phản cảm cho người đọc.
Báo chí chưa đề cao quy định tác nghiệp, quy trình biên tập còn có nhiều thiếu sót, lỏng lẻo, thiếu nhạy cảm chính trị xã hội. Trong một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm hơn diễn biến tình hình thực tế, chậm hơn mạng xã hội nên chưa phát huy được vai trò định hướng của cơ quan báo chí, chưa đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Bên cạnh đó, tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định của pháp luật, các kết luận cơ quan chức năng; tình trạng “suy đoán có tội” phát triển trên báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm lòng tin của công chúng, của chính quyền các cấp vào báo chí.
Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và đội ngũ công tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhiều trường hợp phóng viên tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp, địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh.Thậm chí, có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ký kết hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông, gỡ, sửa bài sau khi đăng... một cách tùy tiện, vụ lợi. Cá biệt, có một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Báo cáo tổng kết cũng đặt ra những vấn đề trong hoạt động báo chí hiện nay. Trong đó, nhận định mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, đa chiều và là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Tuy nhiên mạng xã hội cũng có không ít những ảnh hưởng tiêu cực đến báo chí mà nổi bật là nguy cơ chi phối, lấn át về thông tin, nguy cơ bị truyền thông mạng xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Nhờ được cập nhật liên tục những công cụ, tính năng công nghệ mới, mạng xã hội ngày càng nâng cao khả năng “truyền thông” của mình, khiến báo chí mất dần vị thế “độc quyền” của mình trên phương diện này. Thậm chí, có lúc lấn át cơ quan báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin và cả sự quan tâm của độc giả, đặc biệt trong các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp.
Ngoài ra, báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi thông tin giả mạo. Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là mục đích xuyên tạc, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý của dư luận. Tư đó, cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội hoặc ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhìn nhận: Năm 2017, công tác báo chí đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Quản lý nhà nước về công tác báo chí có nhiều tiến bộ. Chất lượng giải báo chí quốc gia ngày càng được nâng cao. Chất lượng hiệu quả thông tin tuyên truyền Nghị Quyết Đại hội XII và các Nghị quyết của Đảng. Quốc Hội, Chính phủ, nhất là Nghị Quyết TW IV về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái, tư tưởng, đạo đức, lối sống đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là vấn đề trên biển Đông.
Trong điều kiện khó khăn thử thách của năm 2017 thì những kết quả quan trọng và khá toàn diện nêu trên thể hiện tinh thần trách nhiệm chính trị, sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của đội ngũ những người làm công tác báo chí cả nước.
Những nhà báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, những nơi khó khăn gian khổ nhất để kịp thời phản ánh về những sự kiện hoạt động của đất nước. Nhiều nhà báo đã hy sinh, vượt qua bao cám dỗ, vượt qua sự đe dọa của các thế lực xấu, vượt qua những đối xử không công bằng, trong đó có những nơi phải vượt qua cả sự đố kỵ, ganh ghét ở những nơi mình đang công tác để làm tròn sứ mệnh của người cầm bút.
Bên cạnh những thành công đạt được còn có những khuyết điểm và hạn chế bất cập, chưa được khắc phục rõ nét, một số khuyết điểm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, biểu hiện rõ nhất là xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động, khuynh hướng giật gân câu khách, dễ dãi trong trích nguồn, hiện tượng xào lại tin bài báo khác mà không ghi nguồn tương đối phổ biến. Ví dụ như vụ 59 tờ báo vi phạm vụ khởi tố 2 lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhiều tin bài thiếu tính nhân văn, chẳng hạn như về xâm hại trẻ em, như bà giết cháu, vợ giết chồng cứ đưa đi đưa lại đến mức người đọc thấy rợn người.
Những hạn chế, thiếu sót trong công tác định hướng của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý Nhà nước chưa được khắc phục hiệu quả, chưa tháo gỡ kịp thời. Vai trò của nhiều cơ quan chủ quản rất mờ nhạt, không chỉ không quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, định hướng nội dung mà còn “khoán tiền”, tạo điều kiện cho tờ báo làm sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Năm 2017 cũng là năm mà số lượng phóng viên bị xử lý hình sự, bị bắt quả tang nhận tiền khi vòi vĩnh doanh nghiệp nhiều hơn mọi năm. Điều này làm cho người làm báo chân chính rất đau lòng, dẫn đến làng báo phải tự đấu tranh với nhau không để những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm cho hình ảnh báo chí xấu đi trong mắt xã hội....
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và cũng là năm bản lề để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, kết quả công tác trên tất cả các mặt của năm 2018 có ý nghĩa rất quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ chỉ tiêu mà Đại hội XII đã đặt ra. Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn thách thức cũng không ít. Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu trong năm 2018, báo chí phải tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị gắn với mục tiêu tổng thể của cả nhiệm kỳ, trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị - xã hội - quốc phòng – an ninh - đối ngoại, xây dựng Đảng. Trong xây dựng Đảng, cần tập trung cho việc tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng để đấu tranh phòng chống sự thắt chặt, đẩy lùi những suy thoái về đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ . Tập trung biểu dương gương điển hình tiên tiến, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, cái xấu, cái ác…”Làm được điều này đòi hỏi báo chí phải dám đương đầu với khó khăn thách thức” - đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Báo chí cũng cần tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả định hướng nội dung thông tin nhạy bén, thiết thực, một đầu mối. Tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về báo chí mà cụ thể là tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện tôn chỉ mục đích, tránh tình trạng vi phạm nặng nề, xử lý lỏng lẻo. Phát hiện, thu hồi giấy phép, thẻ nhà báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm.
Về công tác cán bộ: qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cần quan tâm hơn nữa. Phải nhận thức được rằng, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, cán bộ làm báo là cán bộ chính trị, đòi hỏi phải nâng cao trình độ chính trị, cập nhật kiến thức không có điểm dừng. Có một thực trạng là hiện nay, có không ít người có thẻ nhà báo nhưng kiến thức mỏng, bản lĩnh chính trị không vững vàng, thực tiễn không sâu sát nhưng ảo tưởng về quyền lực và vị trí của mình, tạo ra những liên kết xấu, làm xấu đi hình ảnh báo chí....Đây là vấn đề rất đau lòng mà mỗi tòa soạn cần nâng cao ý thức phóng viên. Nâng cao nghiệp vụ và đạo đức người làm báo, nâng cao trách nhiệm của các Tổng biên tập trong rút tít, đặt bài.
Công nghệ phát triển, phóng viên ngày càng lười đi, thường sao chép lẫn nhau, có người viết như trả nợ. Có những phát biểu của lãnh đạo, sai hay thiếu một từ, ý đã khác đi nhưng người viết không chú ý. Làm sao khi viết, phóng viên phải ý thức được tờ báo là của mình, tôn chỉ mục đích của mình, độc giả công chúng của mình, phải viết cho hết sức trách nhiệm.
Về kinh tế tài chính của báo chí, đồng chí Võ Văn Thưởng nhận định: thời gian qua có tình trạng nhiều tờ báo ký hợp đồng hợp tác toàn diện với một số Tổng Công ty, Tập đoàn kinh tế lớn, vấn đề này đặt ra một số suy nghĩ. Hợp tác thì không cấm nhưng báo chí đang trong điều kiện chống tham nhũng mà ký hợp đồng truyền thông toàn diện thì phải có nguyên tắc. Ví dụ, tuyên truyền theo tiêu chí nào, rồi khi anh trở thành đối tượng được thông tin thì tôi không được nói tới anh, tôi có bị ảnh hưởng không và trong sự hợp tác này có lợi ích nhóm giữa báo chí không, có sự kết hợp giữa quyền lực kinh tế với quyền lực thông tin không...Đây cũng là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới nhưng phải nói rằng, kinh tế báo chí cũng là vấn đề cấp bách mà chúng ta cần phải cùng phối hợp với nhau để bàn bạc, tìm được những giải pháp và hướng đi hiệu quả cho việc này.