Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra, nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong “ông lớn” ngành thực phẩm, đồ uống được mô tả là “vẫn còn nhiều hồi hộp”…
Tổng Công ty Sabeco |
Ngày 22/12/2011, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Sabeco.
Quyết định khởi tố trên căn cứ theo đơn thư tố giác tội phạm của một số cán bộ và công nhân viên tại Sabeco, các kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ; tài liệu xác minh, thu thập của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an thể hiện từ năm 2005 đến năm 2010.
Ngay sau khi công bố Quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ký lệnh triệu tập một số cán bộ lãnh đạo của Sabeco để làm rõ một số vấn đề có liên quan đến vụ án.
Cần nhắc lại, từ năm 2005, một số cán bộ và công nhân viên tại Tổng Công ty Cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã gửi nhiều đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng. Kể từ đó đến năm 2010, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc và làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp này.
Trong những năm 2008-2009, Bộ Công Thương đã hai lần thành lập đoàn thanh tra các vấn đề: thay đổi nhãn bia; việc mua, bán nguyên vật liệu đầu vào (malt, houblon và vỏ lon bia 333 từ năm 2008 đến thời điểm thanh tra); xác minh thông tin Tổng Giám đốc Sabeco có tài khoản ngoại tệ ở Vietcombank do người nhà đứng tên; tính suất đầu tư xây dựng các nhà máy bia…
Sau đó, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã giao Thanh tra Chính phủ (TTCP) thanh tra Sabeco. TTCP đã thanh tra việc mua lon bia 333 rỗng; việc mua cổ phần Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội của Sabeco và việc mua nguyên liệu Malt để sản xuất bia đã xác định có sai phạm tại Tổng Công ty này gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Sabeco vẫn “bình an vô sự”. Sự việc chỉ thay đổi sau phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chuyển vụ việc sai phạm tại Sabeco cho cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Sau đó, tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu: “Giải quyết khẩn trương, dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp đang gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay”, trong đó có Sabeco.
Với quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vụ việc tại Sabeco đã chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới theo các thủ tục về điều tra hình sự.
Kỳ vọng tội phạm rồi sẽ bị “đem ra ánh sáng”, thế nhưng đối với những người theo dõi vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty này từ đầu, tâm trạng được mô tả là “vẫn còn nhiều hồi hộp”.
Nguyên Phụng