Trong giai đoạn hiện nay cần thường xuyên, kiên trì học tập và làm theo những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sáu nhóm vấn đề sau đây:
Về con đường cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “... nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,… có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến”. Người viết: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp.
Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu… Đó là con đường phải đi của chúng ta: Con đường công nghiệp hóa nước nhà”.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”, “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Dù có cố ý hay không, tham ô, lãng phí, quan liêu “cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. “Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Nó “phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân là hai lực lượng chủ yếu tiến hành khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”.
Về lực lượng vũ trang, Người xác định quân đội ta có ba nhiệm vụ: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Quân đội và lực lượng Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng.
Về sức mạnh của lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người khi nêu luận điểm “người trước, súng sau”. Trong quân đội, Người chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, cả chính trị, quân sự, khoa học – kỹ thuật và hậu cần. Để kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng thế trận lòng dân.
Về xây dựng văn hóa và con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền
Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới. Nền văn hóa dân tộc phải được xây dựng trên năm điểm lớn sau đây: 1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người. Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống. Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đạo đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ; có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa “dân là chủ”. Người viết: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ… Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền, nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Nhà nước của dân là tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Nhà nước do dân là nhà nước do dân tạo ra và nhân dân tham gia quản lý. Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thiếu pháp luật. Vì pháp luật là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế bằng Hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng. Người khẳng định vai trò của pháp luật là: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng. Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn.
Người chỉ rõ: Quyền lực có tính hai mặt. Một mặt, quyền lực có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biết sử dụng đúng. Mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại ghê gớm nếu người nắm quyền lực bị thoái hóa, biến chất, biến quyền lực của nhân dân thành quyền lực cá nhân…
Về hệ thống tổ chức của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Trong hệ thống tổ chức đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Theo Người, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Tuy nhiên, Người cũng yêu cầu: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh phê bình mạnh mẽ việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ theo hướng cục bộ, địa phương. Người căn dặn: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào…”.
Về nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người chỉ rõ: Muốn đoàn kết thống nhất phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác, phải “sống với nhau có tình, có nghĩa”. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Có đoàn kết tốt thì mới tạo ra cơ sở vững chắc để thống nhất ý chí và hành động, làm cho “Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”.