Học sinh cuối cấp áp lực trước kỳ thi 2025

Học sinh lớp 9 “chạy đôn chạy đáo” ôn thi chuyển cấp. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hanoimoi.com)
Học sinh lớp 9 “chạy đôn chạy đáo” ôn thi chuyển cấp. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hanoimoi.com)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Mặc dù đã được chuẩn bị từ sớm, nhưng phụ huynh, học sinh lớp 9, lớp 12 vẫn không tránh được lo lắng, căng thẳng.

Học sinh lớp 12 căng thẳng lên kế hoạch ôn tập

Em Nguyễn Thảo Trang (lớp 12, Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mặc dù mới đầu năm học, nhưng em đã bắt đầu đến các lớp học thêm từ cuối tháng 6. Thảo Trang chia sẻ, năm 2025 là năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018. Các em sẽ có hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn. Trang cho biết, từ năm lớp 11, em đã xác định thi khối D (Toán - Ngữ Văn - Tiếng Anh) và khối A1 (Toán - Vật lí - Tiếng Anh). Tuy nhiên, vì năm 2025 là năm đầu tiên thi theo chương trình mới, nên ngân hàng đề thi rất ít, buộc Thảo Trang phải đi học thêm ở nhiều nơi.

Em chia sẻ: “Em học kín tuần, từ buổi sáng đến tối. Ngoài bốn môn thi THPT quốc gia 2025, em còn đăng ký thêm khóa học đánh giá năng lực (ôn theo đề của những kỳ riêng do các trường đại học tự tổ chức). Vào cuối tuần, em dành phần lớn thời gian học IELTS”.

Thảo Trang đánh giá, với bốn môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia không quá khó khăn, nặng nề đối với em. Nhưng, sau kỳ thi THPT quốc gia 2024, phổ điểm đỗ đại học vào các trường tốp đầu quá cao, nên em và gia đình có những định hướng khác. Em chia sẻ, các trường đại học hàng đầu của Việt Nam ngày càng có tỷ lệ cạnh tranh cao, nhiều thí sinh xuất sắc. Cho nên, em đang có phương án dự phòng sẽ đăng ký đi du học.

Giống với Thảo Trang, Nguyễn Ngọc Anh (lớp 12, THPT Đội Cấn, Vĩnh Phúc) chia sẻ, em lựa chọn khối A (Toán - Vật lí - Hóa học) làm trọng tâm ôn thi. Cá nhân Ngọc Anh đánh giá Chương trình GDPT 2018 có nhiều câu đòi hỏi vận dụng tư duy, hiểu biết để trả lời. Vì vậy, bên cạnh việc học theo sách giáo khoa, Ngọc Anh còn mua rất nhiều sách tham khảo, trao đổi kiến thức với các thầy cô. Em tâm sự thêm mình đã học trước kiến thức lớp 12 từ cuối tháng 5: “Các thầy cô dặn dò kỹ chúng em, kỳ thi THPT quốc gia năm tới sẽ bao phủ toàn bộ kiến thức của ba năm học cấp III. Vì vậy, em phải sớm hoàn thành chương trình lớp 12, để dành thời gian ôn tập, tổng hợp toàn bộ kiến thức và chuẩn bị thật tốt cho các kỳ thi”.

Em cho biết, một trong các môn em lo lắng nhất chính là Ngữ văn. Ngọc Anh tâm sự: “Kỳ thi THPT quốc gia 2025, môn Ngữ văn sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Đây sẽ là một thử thách đối với em. Mỗi tuần, em sẽ phải tốn thêm thời gian để tự ôn tập các thể loại văn học, xem thời sự, chương trình truyền hình để có thêm tư liệu”.

Năm 2025 là năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018, có nhiều thay đổi so với kỳ thi của các năm trước. Vì vậy, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi còn rất khan hiếm. Rất nhiều em đã đăng ký theo học tại các trung tâm từ sớm để được ôn luyện theo những bộ đề được thầy cô soạn sẵn. Một lý do nữa, khiến học sinh cuối cấp lo lắng đó là kiến thức thi không những bao phủ cả ba năm cấp III, mà còn đòi hỏi các em học sinh lớp 12 phải biết vận dụng, ứng dụng thực tế khi làm bài.

Đặc biệt, sau mùa thi THPT năm 2024 vừa qua, có rất nhiều thí sinh 27 điểm, 28 điểm vẫn trượt tất cả các nguyện vọng, khiến phần lớn các em học sinh đều cảm thấy lo lắng. Vì vậy, ngoài ôn thi THPT quốc gia, các em còn dành thời gian để ôn luyện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy xét tuyển vào các kỳ thi riêng của những trường đại học.

Em Trần Phương Hoa (lớp 12, THPT Chuyên Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ngoài ôn thi ba môn Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh, em còn đăng ký thi IELTS, chứng chỉ HSK (chứng chỉ tiếng Trung chuẩn quốc tế). Mỗi ngày em học khoảng 12 tiếng đồng hồ. Em đi học thêm từ thứ Hai đến Chủ nhật. Em cho biết: “Hiện tại, em đã ôn gần hết chương trình lớp 12. Thời gian rảnh, em chia đều ra ôn thi HSK và ôn thi IELTS. Sắp tới, em dự định ôn thêm khóa học đánh giá năng lực online (ôn qua mạng) để thi vào một số trường trực thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Em cho biết, với điểm chuẩn lên đến 28, 29 điểm như năm nay. Phương Hoa không có tự tin mình sẽ có thể vượt qua được nhiều thí sinh xuất sắc khác. Vì vậy, gia đình em đã đầu tư để Hoa có thể đỗ vào ngôi trường mơ ước.

Phụ huynh, học sinh lớp 9 “chạy đôn chạy đáo” ôn thi

Học sinh lớp 12 quá tải vì ôn thi nhiều môn cùng lúc. (Ảnh minh họa - Nguồn: phunuonline)

Học sinh lớp 12 quá tải vì ôn thi nhiều môn cùng lúc. (Ảnh minh họa - Nguồn: phunuonline)

Khác với các em học sinh cấp THPT, học sinh lớp 9 đang đối diện với áp lực rất lớn trước kỳ thi vào lớp 10 các trường công lập. Những năm trước, Hà Nội chốt sẽ thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư nếu có sẽ công bố sau. Như vậy, học sinh sẽ tập trung học trước các môn đã biết. Nhưng với chương trình mới có nhiều khác biệt, nhất là thêm các môn tích hợp khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử - Địa lý nên rất khó để hình dung được phương án thi.

Để có được một suất vào cấp III các trường công lập, nhiều phụ huynh đã cho học sinh ôn thi từ năm lớp 7, lớp 8. Lịch trình ôn thi của các em tương đối nặng, không chỉ ba môn Toán - Ngữ Văn - Tiếng Anh, mà các em còn tập trung ôn cả tổ hợp KHTN, Lịch sử - Địa lý để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp vào năm 2025. Chị Phạm Hằng Nga (48 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, số lượng học sinh thi vào trường công lập ở Hà Nội ngày càng tăng cao. Tỷ lệ chọi các trường rất căng thẳng. Chị nói: “Tôi đã cho con ôn thi từ đầu năm lớp 8. Ngoài ba môn chính Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh, tôi đăng ký cho con ôn tất cả các môn còn lại. Theo ý kiến cá nhân của tôi, phải ôn thật chắc, thật kỹ từ sớm tránh để “nước đến chân mới nhảy”.

Giữa tháng 8 vừa qua, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, Sở vừa hội thảo liên quan đến vấn đề thi lớp 10 THPT năm 2025. Để phụ huynh và học sinh sớm chuẩn bị, khoảng cuối tháng 8 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố đề thi minh họa vào lớp 10 THPT, thay vì công bố khoảng cuối tháng 3 như mọi năm. Mặc dù đã có thông báo, nhưng phụ huynh và học sinh vẫn “mất ăn, mất ngủ” vì lo lắng cho kỳ thi sắp tới.

Không chỉ ở TP Hà Nội, tại TP HCM, kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2025 sẽ có những thay đổi khác so với trước. Chị Nguyễn Hương Trà (45 tuổi, TP HCM) cho biết, con chị đang học Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), năm nay cháu sẽ thi vào cấp III. Gia đình đang hướng con thi vào một trường chuyên ở thành phố. Nhưng hiện tại, gia đình chị đang băn khoăn, lo lắng, khi con sẽ phải thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí - Sinh học - Hóa học) thay vì một môn như trước kia. Chị tâm sự: “Được biết, năm nay thành phố vẫn sẽ giữ ổn định thi ba môn Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ với các trường công lập bình thường. Tuy nhiên, các trường chuyên học sinh phải thi theo tổ hợp KHTN hoặc Lịch sử - Địa lý, nên con tôi phải học gấp đôi các môn thi. Lịch học của cháu gần như kín mít cả tuần”.

Học sinh cuối cấp nỗ lực ôn tập chuẩn bị cho những đổi mới trong kỳ thi sắp tới. (Ảnh minh họa - Nguồn: Học tốt - Học mãi)

Học sinh cuối cấp nỗ lực ôn tập chuẩn bị cho những đổi mới trong kỳ thi sắp tới. (Ảnh minh họa - Nguồn: Học tốt - Học mãi)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 sẽ được giữ ổn định với 3 môn thi Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Sở GD&ĐT TP HCM sẽ công bố đề minh họa ở từng môn thi tuyển sinh lớp 10 vào đầu năm học, dự kiến trong tháng 10/2024. Tuy nhiên, mức độ phân hóa và đổi mới của đề thi ở từng môn thi sẽ được Sở tính toán, điều chỉnh nhằm phù hợp với việc dạy và học theo hướng đánh giá năng lực học sinh - bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS.

Riêng với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên năm 2025, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, định hướng của Sở GD&ĐT là sẽ thay thế các môn thi chuyên Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý bằng các môn thi chuyên KHTN, Lịch sử - Địa lý, theo đúng với Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS. Tuy nhiên, ở bậc THPT thì sẽ có những định hướng phù hợp để học sinh các lớp chuyên này chọn đúng các môn chuyên Lí, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý theo Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, gắn với định hướng nghề nghiệp.

Bình tĩnh, tập trung ôn thi

Cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2025 là một dấu mốc quan trọng đối với các em học sinh lớp 12. Vì vậy, các em nên có kế hoạch ôn tập cụ thể, tập trung vào một đến hai ngành nghề yêu thích nhất, tránh thi dàn trải ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nên các em không nên phụ thuộc, ỷ lại các giáo án, đề thi minh họa. Bản thân mỗi học sinh cần tự nỗ lực trau dồi kiến thức, vận dụng tư duy để đạt được kết quả tốt nhất.

Cô Nguyễn Thu Huyền (phụ trách cấp THCS, Hệ thống giáo dục Đa Trí Tuệ) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2025, học sinh cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa. Đặc biệt, hiện tại, ngân hàng đề thi để học sinh tự ôn rất hạn chế, nên các em cần bám sát bài giảng của thầy cô ở trên lớp. Ngoài ra, kiến thức thi trải dài, đòi hỏi tư duy, vận dụng, bắt buộc học sinh phải tự hệ thống lại kiến thức theo sơ đồ. Cô cũng đưa ra lời khuyên: “Bây giờ là thời gian đầu năm học, phụ huynh, học sinh nên bình tĩnh, cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi. Năm nay là một thời điểm quan trọng, không nên để học sinh đuối sức khi kỳ thi còn chưa bắt đầu”.

Đọc thêm

Bắc Ninh: 'Quả ngọt' từ chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo - Bài 2: Tiên phong đổi mới, bứt phá vươn lên top đầu ngành giáo dục

Bắc Ninh: 'Quả ngọt' từ chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo - Bài 2: Tiên phong đổi mới, bứt phá vươn lên top đầu ngành giáo dục
(PLVN) -  Với những bước đi táo bạo và quyết liệt trong việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, Bắc Ninh đã không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, đưa giáo dục của tỉnh vươn lên vị trí tốp đầu trong cả nước, từ đó từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền giáo dục tiên tiến, toàn diện.

Bắc Ninh: 'Quả ngọt' từ chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo - Bài 1: Khơi dậy khát vọng đổi mới và phát triển giáo dục toàn tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khen thưởng và chúc mừng cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác năm học 2023-2024. (Ảnh: Huyền Trang).
(PLVN) - Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển giáo dục của Việt Nam. Tại Bắc Ninh, việc thực hiện Nghị quyết này đã mang lại những thành tựu quan trọng, khẳng định vị trí tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục của cả nước.

Ngành Giáo dục tổn thất nặng nề vì mưa bão

Giáo viên và phụ huynh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái dọn dẹp, đẩy bùn khu vực cổng trường sau mưa lũ. (Ảnh: Báo Yên Bái)
(PLVN) - Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã để lại những tổn thất nặng nề cho ngành Giáo dục, trong đó có 55 học sinh, giáo viên tử vong; 3 học sinh và 1 giáo viên bị mất tích, 8 học sinh bị thương. Đến thời điểm hiện tại, 99 trường học vẫn chưa thể đón học sinh trở lại do nước lũ chưa rút hết.

Bảo đảm an toàn đón học sinh trở lại trường sau mưa bão

Các thầy cô Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Nội) đang dọn dẹp vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại. (Nguồn: GDTĐ)
(PLVN) - Hàng trăm ngôi trường ngập trong biển nước, hàng nghìn học sinh phải tạm thời nghỉ học để bảo đảm an toàn. Cơn bão Yagi đi qua để lại tổn thất nặng nề cho các trường học. Hiện nay, để bảo đảm việc học tập cho học sinh, tất cả các trường học ở miền Bắc đang nhanh chóng khắc phục hậu quả, đón học sinh trở lại trường.

Làm sao để Toán học là lựa chọn của người trẻ Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: MT).
(PLVN) - Năm 1974, khi đất nước còn chưa kết thúc chiến tranh, theo sáng kiến của một số nhà Toán học, đứng đầu là GS. Hoàng Tụy và được sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn 5 học sinh tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế dành cho học sinh trung học tại Cộng hòa Dân chủ Đức…

Chữa 'bệnh nhớ hè' cho học sinh, sinh viên

Phụ huynh nên dành thời gian tâm sự, trò chuyện tháo gỡ nút thắt trong lòng các em. (Ảnh minh họa, nguồn: Kenh14)
(PLVN) - Mặc dù đã bước vào năm học mới gần 2 tuần, nhưng vẫn còn rất nhiều học sinh, sinh viên rơi vào tình trạng “nhớ hè”, đếm ngày chờ lễ Tết tiếp tục đón các kỳ nghỉ dài. Tâm lý hậu nghỉ hè của một số học sinh khiến cho phụ huynh, giáo viên đau đầu “cứu chữa”.

Khuyến khích học tập suốt đời trong đoàn viên, người lao động

Khuyến khích học tập suốt đời trong đoàn viên, người lao động
(PLVN) -  Chiều 10/9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp dưới sự chủ trì của GS. TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

'Ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất cần thiết'

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành Giáo dục, từ cán bộ, công chức đến học sinh, sinh viên và các tổ chức cá nhân hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ. Dẫu ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất cần thiết, bởi đó là tinh thần giáo dục, tinh thần chia sẻ cần phải làm.