Rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo
Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với đối với các trường hợp người bị tố cáo đã nghỉ hưu, chuyển công tác đến cơ quan khác, ngành khác hoặc giữ chức vụ cao hơn, gây khó khăn cho các cơ quan THADS tìm căn cứ pháp lý để giải quyết tố cáo của người dân. Để khắc phục điều này, Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định bổ sung về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các trường hợp nêu trên. Vì vậy, Thông tư số 02/2016/TT-BTP cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa nội dung quy định trên để áp dụng trong lĩnh vực THADS.
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cấp phó của Thủ trưởng cơ quan THADS, theo quy định sẽ áp dụng luật chuyên ngành để giải quyết. Luật Tố cáo năm 2011 cũng như Luật Tố cáo năm 2018 quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó.
Trong khi đó, Điều 157, Luật THADS quy định thẩm quyền giải quyết đối với hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì hầu hết ở các cơ quan THADS địa phương, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS thường được Thủ trưởng cơ quan THADS phân công ký thay các văn bản, quyết định về thi hành án. Do đó, nếu người tố cáo có đơn tố cáo Phó Thủ trưởng cơ quan THADS trong trường hợp này mà áp dụng quy định tại Điều 157 Luật THADS để Thủ trưởng cơ quan THADS giải quyết là không phù hợp, thiếu tính khách quan.
Vì vậy, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2016/TT-BTP cần nghiên cứu bổ sung quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với trường hợp giải quyết tố cáo đối với cấp phó của thủ trưởng cơ quan THADS khi người này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên và khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của thủ trưởng cơ quan THADS; đồng thời, viện dẫn các các quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người bị tố cáo đã nghỉ việc, nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, giữ chức vụ cao hơn.
Vẫn giải quyết đối với trường hợp rút tố cáo một phần
Về việc rút đơn tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết tố cáo, Điều 17 Thông tư số 02/2016/TT-BTP đã có quy định việc xử lý đối với trường hợp người tố cáo rút tố cáo một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo đình chỉ giải quyết đối với nội dung rút tố cáo đó. Tuy nhiên, Luật Tố cáo 2018 quy định chỉ đình chỉ tố cáo khi người tố cáo rút toàn bộ tố cáo; trường hợp chỉ rút tố cáo một phần thì phần còn lại tiếp tục được giải quyết mà không chỉ rõ là có đình chỉ giải quyết đối với một phần đã được rút hay không. Do đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2016/TT-BTP cần bỏ quy định về việc đình chỉ giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo rút một phần tố cáo.
Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về trường hợp rút tố cáo nhưng người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không được đình chỉ mà vẫn phải giải quyết tố cáo. Do đó, cần nghiên cứu nội dung này để đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung theo hướng: Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người có thẩm quyền xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.
Ngoài ra, liên quan tới thời hạn giải quyết tố cáo, theo quy định của Luật THADS là 60 ngày kể từ ngày thụ lý và có thể gia hạn thêm 1 lần nhưng không quá 30 ngày. Tuy nhiên, thời hạn giải quyết tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2018 là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý và gia hạn thêm 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày dựa vào tính chất phức tạp của vụ việc. Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật chuyên ngành để giải quyết, các cơ quan THADS sẽ áp dụng thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của Luật THADS. Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi có Luật Tố cáo 2018, một số cơ quan THADS địa phương căn cứ vào thời hạn của Luật này để giải quyết. Điều này dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa phù hợp và không thống nhất giữa các cơ quan THADS. Vì vậy, cần quy định rõ ràng thời hạn giải quyết tố cáo theo đúng pháp luật chuyên ngành đã quy định để các cơ quan THADS áp dụng thống nhất, không mâu thuẫn nhau.
Đồng thời, hiện nay Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định về thời hạn phải thụ lý giải quyết tố cáo là 7 ngày làm việc, rút ngắn thời gian so với Luật Tố cáo năm 2011 là 10 ngày. Do đó, cần thiết phải sửa đổi về thời hạn thụ lý này trong Thông tư số 02/2016/TT-BTP.