Đòi hỏi cấp thiết
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm cho rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với NVNONN đã được ban hành tại các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và các văn bản như Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/03/2004 (Nghị quyết 36), Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/05/2015 (Chỉ thị 45), gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị. Các văn bản này đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và là cơ sở quan trọng để triển khai toàn diện công tác về NVNONN.
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới nêu rõ yêu cầu: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để NVNONN về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh...”. Việc hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến chính sách đối với NVNONN là đòi hỏi cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn nhằm góp phần hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại, động viên đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong thời gian qua, khung pháp luật về chính sách đối với NVNONN cơ bản đã được hình thành nhằm điều chỉnh các vấn đề liên quan đến NVNONN như vấn đề quốc tịch, cư trú, đi lại, đầu tư, kinh doanh, sở hữu nhà ở, đất ở tại Việt Nam… Điển hình, về pháp luật về quốc tịch, Luật Quốc tịch năm 2008 đã bổ sung cụm từ “trừ trường hợp Luật này có quy định khác” tại Điều 4 về nguyên tắc quốc tịch để thể hiện chính sách một quốc tịch mềm dẻo hơn của Nhà nước ta. Việc quy định nguyên tắc một quốc tịch theo hướng mềm dẻo là cần thiết, quán triệt đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta tại Nghị quyết số 36 và Chỉ thị số 45, qua đó khuyến khích, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của NVNONN được giữ quốc tịch Việt Nam trong một số trường hợp ngoại lệ khi đã có quốc tịch nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật Quốc tịch năm 2008 cũng đã quy định về giữ quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quy định này là nhằm thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước được ghi nhận tại Nghị quyết số 36, bảo đảm cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam được đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, kể cả trong trường hợp đã có quốc tịch nước ngoài. Quy định như vậy cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp theo dõi, nắm bắt tình trạng quốc tịch của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã bổ sung 2 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, đó là thực hiện đầu tư tại Việt Nam và đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
Hay, liên quan đến quyền sử dụng đất ở, nhà ở, quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Luật Nhà ở năm 2014 cũng đã quy định điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam.
Cần sớm sửa đổi, bổ sung
Tuy nhiên, khung pháp luật về chính sách đối với NVNONN cũng còn một số hạn chế, bất cập. Trong quy định về quốc tịch, vấn đề nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam của NVNONN mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài (theo khoản 3 Điều 19 và khoản 5 Điều 23 của Luật Quốc tịch Việt Nam) gặp nhiều vướng mắc trên thực tế do các điều kiện để nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam khó khăn và chưa có tiêu chí rõ ràng. Nghị định số 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch đã có hướng dẫn rõ ràng nhưng vẫn khó đáp ứng… Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 cũng còn mâu thuẫn trong quy định về các loại giao dịch được thực hiện để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở.
Từ những thực tế trên, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị, đối với các hạn chế, bất cập của pháp luật về quốc tịch, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để hoàn thiện hơn quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam, kết hợp với các biện pháp đồng bộ khác về đối ngoại, ngoại giao, ký kết điều ước quốc tế, từ đó bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra.
Đối với các hạn chế, bất cập về quyền sử dụng đất ở, nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở ngoài dự án phát triển nhà ở thông qua giao dịch đổi nhà ở, nghĩa vụ tài chính trong trường hợp này sẽ được xác định tương tự như trường hợp hộ gia đình, cá nhân trong nước thực hiện giao dịch mua bán nhà ở gắn liền với đất ở. Công nhận quyền sử dụng đất nói chung, quyền sử dụng đất ở nằm ngoài dự án nhà ở nói riêng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp họ đã xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp vào thời điểm trước đây theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với chính sách thu hút trí thức là NVNONN tham gia hoạt động khoa học, công nghệ tại Việt Nam, đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời, sửa đổi Nghị định 27 theo hướng cởi mở hơn đối với chuyên gia trẻ tuổi. Đối với bất cập về việc đăng ký kết hôn của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đề nghị quy định thống nhất về thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn tại địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện quyền bỏ phiếu, ứng cử và các quyền khác để có thể tham gia sâu hơn vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam.