Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp phát sinh, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Theo đó, dự án Luật quy định những vấn đề liên quan đến phạm vi hòa giải, đối thoại; về tổ chức, bộ máy của Trung tâm hòa giải, đối thoại; về quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên; xử lý kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động…
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã đưa ra một số đề nghị cần làm rõ phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Luật và phát huy hiệu quả của hòa giải, đối thoại; bảo đảm không chồng chéo với các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có. Cho rằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, giúp giảm thiểu số vụ việc phải đưa ra xét xử tại Tòa án, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng đề nghị phải mở rộng phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa. Để đảm bảo tính trung lập, Hòa giải viên, Đối thoại viên không có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ việc.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp lại cho rằng dự án Luật nên thu hẹp phạm vi điều chỉnh, chỉ nên hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp do các bên nộp đơn yêu cầu, khởi kiện đến Tòa án theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Để giải quyết tốt tranh chấp, ông Diệp cho rằng cần quy định Hòa giải viên, Đối thoại viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp tài liệu, thông tin của vụ việc. Ngoài ra, cần tìm hiểu, khảo sát kĩ về tranh chấp lao động giữa các quốc gia trên thế giới…
Ngoài ra, có nhiều ý kiến đóng góp cho rằng Dự án Luật nên rà soát lại tính hợp hiến, hợp pháp; phải đảm bảo xung đột không xảy ra trong quá trình hòa giải, đối thoại trước và sau khi đưa ra Tòa; cần thành lập Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở những địa phương có nhu cầu, đủ điều kiện và có nhiều vấn đề dễ xảy ra tranh chấp; Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nên do các Hòa giải viên, Đối thoại viên bầu để đảm bảo tính dân chủ, cần lập dự toán kinh phí chi cho các hoạt động hòa giải, đối thoại…
Cảm ơn những đóng góp có chiều sâu và gợi mở cho Ban soạn thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định sự cần thiết để xây dựng Dự án Luật này, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp và tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt, về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Liên quan đến việc tổ chức, bộ máy của Trung tâm Hòa giải, đối thoại, nếu thành lập Trung tâm tạo tất cả các TAND thì điều kiện và tính khả thi không cao, dự án Luật chỉ nên cân nhắc và lựa chọn phương án thành lập Trung tâm Hòa giải, đối thoại ở một số địa phương có điều kiện, nhu cầu.
Về thẩm quyền của Hòa giải viên, Đối thoại viên để xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình hòa giải, đối thoại, theo ông Bình, không có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ việc vì sẽ ảnh hưởng đến tính trung lập. Về kinh phí đảm bảo hoạt động hòa giải, đối thoại, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét cẩn thận để báo cáo với cấp có thẩm quyền…