Tại Hội thảo “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện” vừa diễn ra vài ngày trước tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đối tượng được phép triển khai Mobile Money là các công ty viễn thông đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán.
Ông Dũng cho rằng, Mobile Money bản chất là eMoney, là ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng. Theo quy định hiện hành, ví điện tử chỉ có thể nạp tiền thông qua các ngân hàng. Nhưng với Mobile Money, tiền tài khoản sẽ được nạp từ các đại lý bán thẻ.
Điều này nảy sinh nhiều vấn đề, đó là hạn mức của các đại lý là bao nhiêu? Quản lý hoạt động của các đại lý này như thế nào? Làm sao để quản lý được nguồn tiền? Làm sao để đảm bảo an ninh, bảo mật, an toàn dữ liệu, mobile money phải có quy định rõ ràng về việc mã hoá như thế nào? giao dịch bao nhiêu thì phải có password, OTP... ? Làm sao để quản lý được các đại lý nhận tiền của người dùng xong không chuyển lại cho các trung gian thanh toán?
Liên quan đến nguồn tiền, nhiều người cũng bày tỏ nghi ngờ, nếu Nhà nước không kiểm soát được nguồn tiền thì sẽ xuất hiện các kẽ hở để thực hiện các giao dịch rửa tiền, đánh bạc qua mạng và các giao dịch phi pháp khác. Và nếu Mobile Money không thanh toán qua hệ thống ngân hàng thì việc thanh tra thuế sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Một vấn đề khác khiến Ngân hàng Nhà nước băn khoăn là vấn đề định danh khách hàng (KYC - Know your customer). Nếu như với ví điện tử, KYC do ngân hàng lấy thông tin khách hàng. Còn với Mobile Money, các nhà mạng và các đại lý phải tự thực hiện. Vấn đề đặt ra là liệu Nhà mạng có đảm bảo được an toàn dữ liệu khách hàng, thông tin khách hàng có chính xác hay không, có đảm bảo được vấn đề chống rửa tiền, an ninh bảo mật…
Dường như Ngân hàng Nhà nước đang muốn Mobile Money hoạt động giống như ví điện tử, ngoại trừ vấn đề thanh toán phải qua tài khoản ngân hàng. Ví dụ, về số dư tài khoản, theo quy định về ví điện tử thì số tiền nạp vào và tài khoản sẽ là 1:1, và Ngân hàng Nhà nước cũng muốn quy định như thế đối với Mobile Money. Theo đó, số tiền công ty viễn thông nhận của khách phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1. Ví dụ, 100 đồng nạp vào qua đại lý là khách hàng có 100 đồng trong ví, không phải có chuyện nạp 90 đồng lại được 100 đồng trong ví, vì theo lời ông Dũng: "Như thế là phát hành tiền, dùng đòn bẩy kinh tế. Mobile Money cũng luôn phải tuân thủ tỷ lệ 1:1".
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông, mà chỉ chuyển đổi hình thức của tiền mặt để khách hàng có thể sử dụng thanh toán theo một hình thức mới.
Về hạn mức thanh toán, hiện Ngân hàng Nhà nước đang đưa phương án hạn mức thanh toán dự kiến cho Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng (Ví điện tử đang được đề xuất sửa đổi tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng).
Về vấn đề quản lý, đảm bảo số tiền dư trong Mobile Money của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất phương án mang tính điều kiện là tổng số dư của Mobile Money phải tương ứng với số tiền của công ty ví gửi tại tài khoản đảm bảo ngân hàng. Số tiền này chỉ được sử dụng với mục đích của ví, sao cho dù công ty cung cấp dịch vụ mobile money có thể làm ăn thua lỗ nhưng số tiền trong tài khoản người dùng vẫn phải đảm bảo trong ngân hàng. Đồng thời, trong mô hình này, Việt Nam chưa tính đến câu chuyện chuyển tiền quốc tế, liên kết liên thông giữa các ví và liên kết chéo giữa các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Trước đó, tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu trước quý III/2019 Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng.
Hiện tại, trong số các nhà mạng đề xuất triển khai Mobile Money thì chỉ có Viettel và VNPT là đã có giấy phép trung gian thanh toán, còn MobiFone thì đang trong quá trình xin giấy phép. Vì vậy, nếu triển khai, trước mắt chỉ có 2 nhà mạng trên đủ điều kiện tham gia nếu Chính phủ phê duyệt phương án này.