Sau gần 7 tháng đi vào hoạt động từ tháng 10/2022, mô hình “Khu dân cư điện tử” do UBND Phường 1 (TP Cà Mau) triển khai thí điểm tại đường Lý Văn Lâm, thuộc khóm 6, phường 1 đã phát huy hiệu quả thiết thực. Cách làm này không chỉ giúp người dân tiếp cận môi trường số một cách dễ dàng, hiệu quả mà còn góp phần từng bước xây dựng “công dân điện tử” hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong tương lai.
Quá trình thực hiện, các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận môi trường số. Mặc dù nhân lực còn hạn chế, mỗi tổ chỉ có 4 thành viên nhưng đồng đảm trách. Đặc biệt, có tính sáng tạo trong cách triển khai thực hiện “Khu dân cư điện tử” nên đã từng bước thay đổi được nhận thức và hành động của người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Mô hình điểm “Khu dân cư điện tử” tại khóm 6, phường 1 (TP Cà Mau) có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số. |
Anh Huỳnh Văn Chiến - Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng, Trưởng khóm 6, phường 1 (TP Cà Mau) cho biết: “Khu dân cư điện tử” thí điểm tại đường Lý Văn Lâm, thuộc khóm 6, phường 1, TP Cà Mau có tổng số trên 186 hộ dân. Do vậy, để triển khai thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao, các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng đã đến tận nhà các hộ dân phát phiếu thu thập thông tin để xác định người dân cần gì, thiếu gì và mong muốn gì về công nghệ số… để có hướng tiếp cận cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Qua triển khai thực hiện, phần lớn người dân tiếp cận rất nhanh, chỉ sau vài lần hướng dẫn họ đã có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng số, dịch vụ số giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng lớn tuổi, không rành công nghệ nhưng các thành viên cũng có cách hướng dẫn cho con, cháu trong nhà để hướng dẫn lại các cô chú lớn tuổi, từ đó tăng tính tương tác.
Ông Nguyễn Văn Thả (ngụ khóm 6, phường 1, TP Cà Mau) bộc bạch nói: “Nhờ Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận nhà hướng dẫn, tôi thấy công nghệ số có rất nhiều tiện ích. Giờ điện thoại tôi đã cài đặt app Chính quyền điện tử Cà Mau (CaMau-G) và đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tôi có thể giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng, sử dụng phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện, tiết kiệm được thời gian công sức”.
“Giờ phần lớn người dân đều sử dụng điện thoại thông minh nên việc hướng dẫn hỗ trợ khá dễ dàng. Nếu người dân còn vướng mắc, hoặc cần hỗ trợ vấn đề gì thành viên trong Tổ Công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn thao tác thử để người dân làm theo. Ví dụ như trước đây, thanh toán điện nước trực tiếp cho nhân viên thì giờ đây chỉ vài thao tác trên điện thoại người dân đã có thể chuyển tiền thanh toán điện, nước một cách dễ dàng” - chị Hứa Thị Minh Khai, Chi hội trưởng Hội Nông dân kiêm thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng khóm 6, phường 1 (TP Cà Mau) chia sẻ.
Người dân được hướng dẫn tải app Chính quyền điện tử Cà Mau (CaMau- G). |
Bà Nguyễn Thị Loan Em - Chủ tịch UBND phường 1, TP Cà Mau, cho biết: “Mặc dù mô hình “Khu dân cư điện tử” khóm 6, phường 1, chỉ mới được triển khai thí điểm trong thời gian ngắn nhưng nhờ quyết liệt trong khâu triển khai tuyên truyền, vận động theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đến nay phần lớn người dân trên địa bàn khu vực thí điểm đã tiếp cận và làm quen được các bước cơ bản trong giải quyết các TTHC trên môi trường mạng như: Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh, tải app Chính quyền điện tử Cà Mau (CaMau-G) để xem tin tức và phản ánh hiện trường khi có nhu cầu… Từ khi triển khai thực hiện người dân hiểu và đồng thuận cao trong việc tiếp cận các ứng dụng số, dịch vụ số, qua đó, góp phần hướng tới xây dựng “công dân điện tử”, “công dân số” trong tương lai”.
Với mục tiêu “Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số”, mô hình “Khu dân cư điện tử” được đánh giá là cách làm hay sáng tạo trong việc triển khai ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn tạo sự gần gũi, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Đến nay, Tổ Công nghệ số cộng đồng khóm 6, phường 1 đã hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn thí điểm tiếp cận nền tảng số.
Từ thành công của mô hình thí điểm, UBND phường 1 sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Khu dân tư điện tử” trên địa bàn toàn phường. Đồng thời, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023, 85% hộ dân trên địa bàn phường được tiếp cận nền tảng số. Đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản và thường xuyên giao dịch thanh toán điện tử.