Mượn giấy khai sinh tưởng chừng như chuyện phức tạp, khó thực hiện vì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân, nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp mượn giấy khai sinh và việc chỉnh sửa giấy tờ học tập liên quan đến việc mượn giấy khai sinh hiện nay thật phức tạp vì một quy định bất hợp lý cần được thay đổi.
Không được thi, ở lại lớp
Tháng 8/1998, muốn con mình là Trương Anh Tuấn (sinh ngày 30/3/1993) được đi học, ông Trương Tấn Bửu (cha Tuấn) mượn giấy khai sinh của cháu là Trần Văn Khoa (sinh năm 1989 , cha là Trần Văn Khuê, mẹ là Hà Thị Phụng) để làm thủ tục nhập học. Tháng 3/2010 khi Tuấn chuẩn bị thi tốt nghiệp, hồ sơ học tập đều mang tên Trần Văn Khoa nhưng hộ khẩu gia đình và chứng minh nhân dân (CMND) lại mang tên của bản thân Trương Anh Tuấn.
Gia đình Trương Anh Tuấn cho biết, nhà trường - sau khi kiểm tra hồ sơ và giấy khai sinh cùng các giấy tờ nhân thân của Trương Anh Tuấn - kết luận Trương Anh Tuấn không đủ tuổi để tiếp tục học chương trình lớp 12 THPT theo quy định của Luật Giáo dục và không được dự thi tốt nghiệp THPT năm 2010.
Cũng tương tự, bà Trần Thị Kim Liên mượn giấy khai sinh của Lê Thị Lan Thanh cho con mình là Lê Thị Thúy Liễu đi học. Đến khi đăng ký khai sinh cho con mình với tên Lê Thị Thúy Liễu thì hồ sơ không thống nhất với CMND và hộ khẩu, dẫn đến phải đi chỉnh sửa. Nhà trường phải tạm thời cho Liễu tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 nhưng kết quả không đạt.
Bộ GD&ĐT không giải quyết
Trước những trường hợp mượn khai sinh đi học và trong khi các cơ quan có thẩm quyền đang đau đầu giải quyết vì pháp luật về lĩnh vực hộ tịch không quy định rõ trường hợp mượn giấy khai sinh phải xử lý như thế nào thì Bộ GD&ĐT lại có Công văn với nội dung: “Trong trường hợp nội dung về nhân thân của người học đã ghi trên văn bằng, chứng chỉ không khớp với bản chính giấy khai sinh do lỗi của người học như cung cấp bản sao chứng thực giấy khai sinh sai so với bản chính; mượn giấy khai sinh của người khác để đi học, có nhiều giấy khai sinh khác nhau,... thì người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ không có trách nhiệm chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ”.
Như vậy, dù trong câu chuyện mượn giấy khai sinh không phải lỗi của những người con nhưng hệ quả chính những người con phải gánh chịu. Mặt khác, chỉ có cơ quan giáo dục là cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa các văn bằng, hồ sơ, chứng chỉ học tập nên khi Bộ GD&ĐT ra quy định này, không khác nào đưa công dân vào đường cùng, không thể học hành, xin việc làm cho tương lai.
Các trường hợp trên cho thấy không những người dân phải “khổ” trước con đường chỉnh sửa nội dung các giấy tờ nhân thân, học tập do hành vi mượn khai sinh của mình gây ra mà phía cơ quan giáo dục cũng lại có những quy định làm “khó” người dân lẫn cơ quan có thẩm quyền.
Thiết nghĩ, quy định này cần được thay đổi để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Nguyễn Thanh