Trong một vụ án hình sự có từ hai bị can, bị cáo trở lên, trước ngày mở phiên tòa xét xử (vụ cố ý gây thương tích, hiếp dâm…), bất ngờ phía bị hại chỉ bãi nại và rút yêu cầu khởi tố đối với một bị can, bị cáo. Trường hợp này, có nơi thì Tòa đình chỉ vụ án. Nhưng cũng có nơi Tòa vẫn xét xử đối với bị cáo còn lại… Vậy, vấn đề này các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật sao cho đúng vẫn còn là một câu hỏi.
Một vụ gây rối trật tự công cộng tại Q.5, TP.HCM (ảnh minh họa) |
• Lúng túng khi vụ án nhiều bị can
Trong một lần va quẹt xe máy với nhau giữa ông Hoàng Trọng Thanh (SN 1965, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) với ông Lê Văn Hà (SN 1970) và ông Lê Văn Quân cùng ngụ ở quận Thủ Đức, TP.HCM); sau đó hai bên đã xảy ra cự cãi gay gắt với nhau. Không kiềm chế được sự tức giận, ông Hà và ông Quân đã cùng tấn công ông Thanh gây thương tích. Chính vì vậy, ông Thanh đã yêu cầu Cơ quan Công an xử lý hình sự đối với ông Hà và ông Quân. Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án và kết luận điều tra về vụ án và đã được Cơ quan Công tố cùng cấp phê chuẩn.
Trước ngày mở phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” (thuộc trường hợp ở khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự), ông Hoàng Trọng Thanh đã quyết định bãi nại, đồng thời rút yêu cầu khởi tố đối với ông Lê Văn Hà mà không quan tâm (rút yêu cầu – PV) gì đến ông Quân. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với ông Hà. Do ông Quân không được ông Thanh bãi nại, rút yêu cầu khởi tố nên ông Quân vẫn phải bị điều tra, truy tố, xét xử. Trước sự việc trên, ông Quân đã khiếu nại đến các cơ quan tiến hành tố tụng vì cho rằng nếu ông Hà được bãi nại, đình chỉ điều tra, truy tố và xét xử thì ông cũng phải được như vậy.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Thực tiễn áp dụng pháp luật quy định người bị hại rút yêu cầu khởi tố đã phát sinh nhiều tình huống gây tranh cãi từ các cơ quan tiến hành tố tụng , bởi theo Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định có một số tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ…
Tương tự, một thẩm phán Tòa án Nhân dân TP.HCM nói: Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rất rõ là khi người bị hại xin rút yêu cầu (là yêu cầu khởi tố vụ án hiểu theo khoản 1 điều này) thì vụ án phải được đình chỉ, không phân biệt vụ án đó có một hay nhiều bị can. Tức là, trong trường hợp trên, ông Thanh bãi nại và rút yêu cầu khởi tố đối với ông Hà thì mặc nhiện ông Quân cũng được hưởng như ông Hà.
Tuy nhiên, khi nói về vấn đề này, một vị Kiểm sát viên tại TP.HCM thì cho rằng: Khi người bị hại tha thứ và bãi nại cho một bị can nào đó thì họ được quyền rút yêu cầu khởi tố đối với bị can đó. Những bị can còn lại vẫn phải bị điều tra, truy tố, xét xử bình thường.
• Muốn được làm bị cáo cũng khó
Một trường hợp khác, vì tố giác của cô E. nên anh D. bị Cơ quan Điều tra khởi tố; rồi sau đó Viện kiểm sát Nhân dân truy tố về tội “Hiếp dâm” theo khoản 1 Điều 111 Bộ luật Hình sự. Trước ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, cô E đã xin rút yêu cầu khởi tố đối với anh D. Theo quy định của pháp luật thì vụ án sẽ được đình chỉ.
Các bị cáo trong một vụ va quẹt xe máy dẫn đến đánh nhau và cùng bị hầu tòa về tội “Gây rối trật tự công cộng”. |
Tuy nhiên, anh D. lại không chịu đình chỉ vụ án theo yêu cầu của cô E; đồng thời kiên quyết yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa vụ án ra xét xử nhằm làm rõ “trắng đen” sự vụ này, bởi anh D. cho rằng mình vô tội, vụ việc đã bị cô E vu oan giá họa.
Về vấn đề này, không ít Thẩm phán nhìn nhận, quyền yêu cầu được chứng minh sự vô tội của nghi can là hoàn toàn chính đáng, cụ thể trong trường hợp này là anh D. Tuy nhiên, do Bộ luật Tố tụng Hình sự lại chưa có quy định khác nên cơ quan tiến hành cơ quan tố tụng vẫn phải đình chỉ giải quyết vụ án chứ không thể tiếp tục tiến hành tố tụng.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre cho rằng: Đây là kẽ hở của pháp luật khiến có những người có thể bị hàm oan, mà không thể đòi lại sự công bằng. Luật sư Lương phân tích: Nếu anh D. bị “vu oan giá họa” thật; nếu vụ án tiếp tục được giải quyết và anh D. được Tòa án tuyên vô tội thì theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, anh D. sẽ được cơ quan làm oan công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Còn khi vụ án được đình chỉ theo yêu cầu của cô E, anh D. sẽ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay vì trường hợp này không được bồi thường oan.
Liên quan đến hai trường hợp vừa nêu, cũng đã có trường hợp, ngay tại phiên tòa sơ thẩm thì người bị hại mới xin rút yêu cầu khởi tố đối với người bị truy tố. Trên thực tế, đã có những vụ Hội đồng xét xử đã tuyên bố đình chỉ giải quyết vụ án, nhưng sau đó đã bị cấp trên hủy quyết định. Cấp hủy quyết định cho rằng luật chỉ cho phép người bị hại được rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa. Do đó một khi đã mở phiên xử thì tòa vẫn phải tiến hành xét xử bình thường. Cũng có Luật sư nêu quan điểm: Sở dĩ luật quy định như vậy vì để mở một phiên tòa thì tòa đã phải huy động cả guồng máy, mất nhiều thời gian, công sức và rất tốn kém. Hơn nữa, trong một vụ án hình sự, tại phiên tòa, luật không dành thời gian cho sự thỏa thuận giữa hai bên như trong vụ án dân sự. Bởi nếu thỏa thuận được thì hai bên đã thỏa thuận từ trước khi vụ án được đưa ra xét xử.
• Thiếu hướng dẫn cụ thể
Luật sư Trần Công Ly Tao, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Có nhiều loại hành vi chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Cũng vì lẽ đó, trong trường hợp này, nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Theo quy định trên thì người đã yêu cầu khởi tố có thể rút lại yêu cầu trước ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (có thể rút lại yêu cầu ở giai điều tra, giai đoạn truy tố…). Vấn đề đặt ra là họ có được rút lại yêu cầu ngay tại phiên tòa sơ thẩm không? Do đó, việc rút lại yêu cầu của người bị hại cần được hướng dẫn cụ thể hơn bởi các cơ quan có thẩm quyền, tránh sự áp dụng “mỗi Tòa mỗi kiểu”;
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án; Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức – Luật sư Tao cho biết.
Đăng Đạt – Hoàng Trâm