Trở về miền ký ức…
Men theo QL5, qua TP Hải Dương khoảng 8km rồi rẽ theo quốc lộ 183, đi thêm khoảng 20km nữa là tới thôn Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), địa danh gắn với dòng gốm danh tiếng từng có mặt khắp nơi trên thế giới, từ Ai Cập đến Trung Cận Đông, từ Đông Nam Á đến Tây Á…
Sử sách ghi lại, Chu Đậu theo nghĩa Hán là bến thuyền đỗ. Vào thế kỷ XV, Chu Đậu là một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của sông Lục Đầu, có thể về Thăng Long, ra biển thuận lợi cho giao thương, buôn bán.
Gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp, có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII - XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV - XVI. Sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu bị thất truyền do cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Mạc tại vùng châu Nam Sách…
Địa danh gốm Chu Đậu lụi tàn nhưng phong cách gốm Chu Đậu vẫn được gìn giữ bởi những người thợ tài hoa trên đường ly tán. Tại Bát Tràng có một chi của dòng họ Vương từ Chu Đậu chuyển đến từ cuối thế kỷ thứ XVI, đã cùng các dòng họ từ Thanh Hoá, Nam Hà tụ lại Bạch Hổ phường làm nên một dòng gốm Bát Tràng phát triển cho đến tận ngày nay.
Sau khi thất truyền nghề gốm, làng Chu Đậu chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu và làm ruộng, dân làng không ai biết nghề gốm và cũng không ngờ rằng ông cha họ đã từng làm được những đồ gốm tinh xảo, tuyệt mĩ. Các lò gốm ngày xưa nay đã nằm sâu dưới ruộng nương, vườn tược. Dấu vết của gốm đã bị chìm sâu dưới lòng đất, biến mất hẳn trong ký ức của dân làng…
Hồi sinh…
Chuyện hồi sinh của làng gốm cổ Chu Đậu bắt nguồn từ một lá thư của Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản, ông Makoto Anabuki gửi ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh uỷ Hải Hưng (cũ, nay là Hải Dương và Hưng Yên) năm 1980. Bức thư viết rằng, trong một chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makoto Anabuki có dịp vào thăm bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istanbul và đã thích thú chiêm ngưỡng bình gốm hoa lam cổ cao 54cm của Việt Nam- báu vật của Thổ Nhĩ Kỳ được mua bảo hiểm với giá 1 triệu USD. Trên bình có ghi 13 chữ Hán "Thái Hoà bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút" (nghĩa là năm Thái Hoà thứ 8 (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi).
Ông Anabuki đã nhờ ông Bí thư Tỉnh uỷ xác định vào thời Vua Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không? Ở đâu? Bà (hay cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào? Học kỹ thuật vẽ gốm ở đâu? Hồi đó sản xuất gốm đặt ở đâu?…
Lá thư đó trở thành chất xúc tác để tìm ra gốm Chu Đậu, cùng với những bộ sưu tập gốm mỹ nghệ đã gợi mở cho các nhà khảo cổ học về một lò gốm mỹ nghệ ở Nam Sách xưa. Năm 1983, công cuộc tìm kiếm vết tích dòng gốm cổ ở Chu Đậu, Nam Sách được bắt đầu và thôn Chu Đậu là một trong 14 địa điểm được khảo sát, khai quật. Từ năm 1986 đến nay đã tiến hành tám lần khai quật di tích thuộc xã Thái Tân và Minh Tân, phát hiện được hàng vạn hiện vật với các loại bát đĩa, ấm, bình, con giống, chậu... Hiện vẫn còn trên 100 lò gốm cổ ở hai xã trên chưa được khai quật.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm 1993, tại eo biển Philippines, một con tàu đắm ở thế kỷ XV đã được trục vớt, trong đó có 3000 đồ gốm và được xác định là gốm Chu Đậu. Năm 1997, Nhà nước cũng trục vớt một con tàu đắm tại Cù lao Chàm với khoảng 340 ngàn hiện vật, trong đó có 240 ngàn hiện vật còn lành lặn. Các nhà khoa học xác định, con tàu chở hiện vật gốm mỹ nghệ từ Chu Đậu…
Như một duyên nợ với quê hương, ông Nguyễn Hữu Thắng, khi đó là Chủ tịch HĐQT Hapro đã về Chu Đậu khảo sát và viết đề án khôi phục làng nghề. “Chu Đậu ngày đó là vùng trũng chỉ có con đường đất nhỏ chạy qua, ngay cả người già nhất cũng không hề biết dưới chân mình có gốm…”, ông Thắng nhớ lại.
Thế rồi cuối năm 2001, Xí nghiệp gốm Chu Đậu (nay là CTCP Gốm Chu Đậu) đã ra đời và bắt đầu đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 24 tỷ đồng. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với một DN chuyên kinh doanh thương mại, khó khăn lớn nhất chính là làm sao khôi phục được dòng gốm danh tiếng một thời khi chỉ có những hiện vật được trục vớt?
“Nét đặc sắc của gốm Chu Đậu đó là hoa văn, họa tiết được vẽ thủ công bằng tay dưới men. Men Chu Đậu là thứ men thiên nhiên được chiết xuất từ tro trấu hoàn toàn không dùng hóa chất, không có chì. Chất men này không đâu có…”, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Giám đốc CTCP Gốm Chu Đậu hào hứng giới thiệu.
Để tìm ra công thức cho men Chu Đậu là cả một quá trình rất kiên trì đầy tâm huyết. Với quyết tâm hồi sinh làng nghề gốm cổ Chu Đậu, Hapro đã mở các lớp đào tạo, mời nghệ nhân về truyền nghề, đầu tư nghiên cứu các bài men cổ, xương cốt, kỹ thuật sản xuất, đồng thời, gửi công nhân đi học tại các làng nghề... Từ đó, gốm Chu Đậu được phục hồi với hàng ngàn mẫu mã cổ cùng nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau.
Niềm vui vỡ òa khi năm 2003, gốm Chu Đậu đã xuất công hàng đầu tiên với 8.490 sản phẩm trị giá 20.000USD sang Tây Ban Nha, nơi nhập chuyến hàng cuối cùng của Chu Đậu vào thế kỷ XVII…
Gốm Chu Đậu hồi sinh dưới bàn tay tài hoa và óc sáng tạo. |
Tinh hoa văn hóa Việt
Sự hồi sinh kỳ diệu của dòng gốm cổ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng chín chữ vàng: "Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam".
Để phát huy nghề gốm cổ quý giá, CTCP Gốm Chu Đậu đã không ngừng cải tiến mẫu mã trên cơ sở các mẫu gốm cổ nhằm đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của khách hàng; đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ trong các khâu chế tạo sản phẩm, nâng tầm gốm Chu Đậu với những sản phẩm tinh xảo, độc đáo, từ chiếc bình gốm thể hiện chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bình miêu tả lễ hội mừng chiến thắng, đến chiếc bình gốm dát vàng...
Được biết, trong phiên đấu giá đầu tiên tại Mỹ, chiếc bình gốm Tỳ Bà cổ Chu Đậu đã được bán với giá 521.00USD. Một bình “Hoa lan” cổ Chu Đậu tại Thổ Nhĩ Kỹ được mua bảo hiểm hàng triệu USD. Đặc biệt, trống đồng Ngọc Lũ và bình Rồng Chu Đậu đang là hiện vật quý giá, đại diện của nền văn hóa lâu đời của Việt Nam ở Liên hiệp quốc. Hiện gốm Chu Đậu đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng ở 32 quốc gia trên thế giới…
Tháng 9/2013, 3 sản phẩm gốm Chu Đậu đã được Hội đồng Xác lập kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục có kích thước lớn nhất gồm: Chiếc đĩa gốm với 1.000 chữ “Long” viết bằng thư pháp, chiếc bình hoa Lam Đại và chiếc bình Tỳ Bà. Năm 2017, gốm Chu Đậu vinh dự đón nhận bằng xác lập kỷ lục độc bản men tro trấu – dòng men thiên nhiên cổ truyền độc đáo nhất của Việt Nam.
“Mở cửa” đón khách…
Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên của CTCP gốm Chu Đậu, một không gian xanh với phòng trưng bày, xưởng sản xuất, vườn gốm thư pháp, nhà thờ tổ gốm linh từ… bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Hapro bồi hồi nhớ lại những ngày đầu thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu mà khi đó bà là Chủ tịch HĐQT...
“Cơ duyên đưa Hapro đến với gốm Chu Đậu không chỉ là sự nhạy bén của những người làm kinh doanh! Là DN chuyên về xuất khẩu không gì tuyệt vời hơn là được cảm nhận những tình cảm mà khách hàng dành cho những sản phẩm mang tinh hoa văn hóa dân tộc…”, bà Hiền chia sẻ.
Không chỉ mang sản phẩm chinh phục khách hàng quốc tế, Hapro còn có tham vọng mang cả khách thế giới về nhà mình. Ý tưởng khôi phục dòng gốm cổ gắn với phát triển du lịch được Hapro xác định từ khá sớm. Năm 2004, CTCP gốm Chu Đậu đã khánh thành gian trưng bày với 1000m2 để trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ. Các khu sản xuất, khuôn viên, ngay cả con đường dẫn vào công ty cũng được quy hoạch đầu tư để mở cửa đón khách…
“Hữu xạ tự nhiên hương”, danh tiếng gốm Chu Đậu đã trở thành điểm đến trong tour du lịch vùng Đông Bắc. Hàng năm, Chu Đậu đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm làm quà lưu niệm, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài là những nhà khoa học có nhu cầu nghiên cứu về không gian, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, các di vật gốm cũ, các lò, công cụ chế tạo gốm cổ…
Không dừng trong khuôn viên của mình, CTCP Gốm Chu Đậu đang có kế hoạch xây dựng khu sản xuất làng nghề khoảng 10ha cho các hộ trong làng nghề ra sản xuất tập trung, hình thành trung tâm du lịch làng nghề. Hiện gốm Chu Đậu đã được đưa vào bốn chương trình du lịch của Công ty Hapro Travel phục vụ khách du lịch nội địa và hai chương trình cho khách du lịch quốc tế…