Biến quả vả thành danh trà
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn nên đã tạo cho Mai Quốc Bảo tính tự lập từ nhỏ. Năm 1991, bố mẹ Bảo phải rời quê hương vào Nam buôn bán kiếm sống, ở nhà chỉ còn một mình Bảo tiếp tục những công việc nhà và việc học. Nghĩ lại quãng thời gian đó, anh Bảo chia sẻ: “Hồi ấy cuộc sống rất khó khăn, bố mẹ thì đi xa, nên để có tiền trang trải cho việc học, sáng thì đi học, chiều tối đến tôi lại xin đi làm ở tiệm sản xuất bánh mỳ. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Học hết cấp ba tôi lại khăn gói vào vùng đất sài thành với một giấc mơ bước vào giảng đường đại học…”
Nhưng rồi giấc mơ của Bảo gián đoạn bởi hai năm liên tiếp Bảo không trúng tuyển. Để không phụ lòng mong mỏi của gia đình cũng như phải “viết” tiếp cuộc đời của mình, Bảo đã làm đủ nghề nào là xe ôm, phục vụ nhà hàng, dạy kèm...để có tiền nuôi sống bản thân và ôn thi đại học. Rồi giấc mơ bước vào giảng đường của Bảo cũng trở thành hiện thực. Bảo đậu vào ngành Tài chính nhà nước của trường Đại học Kinh tế Sài Gòn.
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân nhưng Bảo đã không lựa chọn cho mình một công việc ổn định mà trái lại Bảo bắt tay vào công việc kinh doanh quán ăn Huế. Là một người con của vùng đất cố đô Huế, Bảo luôn mong muốn tìm ra một sản phẩm an toàn cho người dân sử dụng và xây dựng cho Huế một sản phẩm uy tín, chất lượng. Trong khoảng thời gian kinh doanh đó, Bảo nhận thấy rằng nhu cầu sử dụng quả vả trong các món ăn hằng ngày rất cần thiết bởi vả là một loại quả mang tính đặc trưng của Huế. Ý tưởng tạo ra sản phẩm bắt đầu len lỏi trong tâm thức Bảo. Từ chỗ đang kinh doanh quán ăn đắt khách, Bảo quyết định quay lại Huế để bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình.
Anh chia sẻ: “Ở quê anh quả vả mọc rất nhiều. Đó là loại cây dễ trồng, chỉ cần chiết cành sau sáu tháng ra rể là lên cây. Quả vả ở Huế là quá đỗi bình dân, đến nỗi cứ đến mùa là người dân mặc nhiên để rụng đầy trên đất. Hoặc đem bán thì giá cũng rất rẻ. Để tìm tòi và tận dụng triệt để nguồn dược liệu đang bị lãng phí tại quê hương, tôi đã quyết định phát triển dòng sản phẩm này với tình yêu quê hương, yêu sự giản dị đến từ những món ăn rất Huế. Năm 2014, tôi chính thức đầu tư nhà máy chế biến trà từ trái vả. Để đảm bảo tính an toàn và chất lượng, tôi đã tìm đến các giáo sư đầu ngành đông y để nghiên cứu các bài thuốc.”
“Trước đây một rổ vả vài ký chỉ bán được 10.000 đồng, từ khi tôi bắt đầu thu mua, người dân mang đi bán cũng ngót nghét 10.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy thu mua đến 3 - 4 tạ vả. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy trái vả có giá cao hơn bình thường, đến tìm hiểu và về nhà bắt đầu chăm sóc những cây vả của mình. Tháng 8/2014 tôi bắt đầu cho ra đời sản phẩm trà vả Lộc Mai, một trong những sản phẩm mang giá trị gia tăng đầu tiên của trái vả tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Công ty TNHH SX TM DV Lộc Mai chính thức được thành lập”- anh cho biết thêm.
Vì một sản phẩm sạch và an toàn mang thương hiệu Cố đô
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, anh cho hay, đúng là lúc mới đầu cái gì cũng khó. Đối với một sản phẩm mới lạ như trà vả lại càng khó khăn hơn khi người dân vẫn còn rất mới lạ với dòng trà này. Nhưng vì đam mê, vì mong muốn tạo ra một sản phẩm an toàn cho người dân sử dụng nên anh đã quyết tâm “đầu tư” tới cùng.
Hiện tại công ty TNHH SX TM DV Lộc Mai đóng tại thị trấn Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh thu đạt mức từ 4-5 tỷ đồng/ năm. Sản phẩm trà vả Lộc Mai được bán tại thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Bình, Đà nẵng, Huế. Đặc biệt, trong các hệ thống siêu thị Satrafoods, Coop Mart, Aeon Citimart đều bày bán sản phẩm trà vả Lộc Mai. Không chỉ tạo ra một dòng trà đặc trưng mang tầm xứ Huế, anh còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục nhân công lao động ở quê, với mức lương từ 4,5- 5 triệu/ tháng.
Anh Nguyễn Ánh (37 tuổi, Phú Lộc, TT Huế là công nhân sản xuất tại công ty TNHH Lộc Mai) chia sẻ: “Tôi gắn bó với công ty từ ngày bắt đầu thành lập. Nhờ có anh Quốc Bảo nên rất nhiều người dân địa phương chúng tôi có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Ngoài ra chúng tôi còn được đóng bảo hiểm, hỗ trợ những lúc gia đình gặp khó khăn…”
Chia sẻ về những công việc sản xuất trà vả, anh Bảo cho biết, ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan…trái vả thường được chế biến thành nước giải khát hoặc làm mứt. Ở nước ta vả chỉ mới được dùng chế biến các món ăn như trộn gỏi với thịt heo và rau thơm hoặc hầm giò heo, nhưng mức độ phổ biến còn rất hạn chế. Trong khi sản phẩm này có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên, trên cơ sở nguồn nguyên liệu vả phong phú của mảnh đất cố đô, gần gũi với người tiêu dùng, đặc biệt là người Huế. Theo đông y, quả vả có vị ngọt, tính bình, có dược tính phòng và chữa bệnh táo bón, kiết lỵ, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu, tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ và ít năng lượng. Đặc biệt, năm 2015 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố top 50 món ăn đặc sản Việt Nam lần thứ 3, trong đó có trái vả và hạt sen hồ Tịnh Tâm của Thừa Thiên- Huế.
Sản phẩm trà vả Lộc Mai được sản xuất theo phương pháp cổ truyền, không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản và giữ nguyên được nguồn dinh dưỡng dồi dào, với nhiều tác dụng bổ ích, có lợi cho sức khỏe vốn có của vả như: làm giảm nguy cơ gây bệnh tim mạch; ổn định đường huyết; chữa các bệnh về đường hô hấp như ho gà, hen suyễn; làm mạnh dạ dày. Trả vả Lộc Mai có thể chế biến để uống nóng hoặc lạnh, hòa với đường phèn hoặc đường cát để có vị uống ngon và mát hơn.
Để có được thành công như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì đằng sau đó là sự động viên, an ủi từ người “bạn đời” của Mai Quốc Bảo. Chị Lê Thị Như Quỳnh (vợ anh Bảo) chia sẻ: “Lúc đầu mới nghe thôi cũng đã lo rồi, bởi từ trước tới nay tôi chưa từng nghe tên trà vả bao giờ. Nhưng khi anh ấy trình bày và giải thích thì tôi đã rất ủng hộ anh ấy. Đến khi sản phẩm trà vả Lộc Mai ra đời tôi cũng không ngờ đươc nhiều người ưa chộng đến vậy. Hiện tại, ngoài trà vả còn có thêm trà vả gừng; nước ép từ vả; rượu vả; mứt vả cũng bán rất chạy. Riêng nước ép từ vả vào mùa nắng nóng này trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng hai ngàn chai…”
Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Mai Quốc Bảo cho biết, sẽ đầu tư thêm các thiết bị máy móc để cho ra đời nhiều loại sản phẩm từ trái vả như: viên nang, cao vả... và đầu tư xây dựng thêm vùng nguyên liệu ở xã Lộc Điền với quy mô khoảng 3 hecta. Đặc biệt tìm kiếm cơ hội để đưa sản phẩm trà vả ra các nước khác trên thế giới. Ngoài công việc kinh doanh, Quốc Bảo luôn cố gắng sắp xếp để có thời gian bên gia đình. Bên cạnh đó, chàng giám đốc xứ Huế còn đam mê công việc tổ chức các hoạt động như: “Một đêm nhạc một mảnh đời” để gây quỹ từ thiện giúp các em nhỏ bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các trận bóng đá, tennis… gây quỹ giúp các em học sinh nghèo ở các huyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; hay đồng hành với các quán cơm từ thiện phát cơm cho những người nghèo… “Khi làm được điều gì đó cho các em nhỏ hay những người có hoàn cảnh kém may mắn bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Trước đây, tôi cũng là một trong những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nên tôi rất hiểu. Tôi và công ty sẽ cố gắng có thêm những hoạt động gây quỹ để góp phần động viên những mảnh đời kém may mắn” – Quốc Bảo tâm sự.