Hành trình khổ ải mang tên 'nét chữ nết người'

Phụ huynh khó khăn khi luyện chữ cùng con.
Phụ huynh khó khăn khi luyện chữ cùng con.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ tấm bé, khi bắt đầu chập chững bước vào lớp 1, luyện chữ là bài học cơ bản đầu tiên ai cũng phải trải qua. Thế nhưng, ngày nay khi chúng ta chủ yếu gõ chữ bằng máy tính, điện thoại… đã có nhiều ý kiến cho rằng luyện chữ đẹp là không cần thiết. Vậy trong thời đại 4.0 liệu nét chữ có còn tạo nên nết người?

Phụ huynh than trời vì môn học “chữ đẹp”

Hễ khi đứa trẻ bước tới “năm cuối” mẫu giáo, ông bố bà mẹ nào cũng canh cánh hàng trăm nỗi lo từ việc chọn trường, chọn lớp cho đến liệu con có thích nghi và hòa nhập với môi trường mới hay không… Đặc biệt còn có nỗi lo phải “chạy đua” cho trẻ luyện chữ trước khi vào lớp 1.

Với mong muốn con “đọc thông, viết thạo” và nỗi lo lắng con bị “đuối” so với bạn bè cùng trang lứa đã khiến nhiều bậc phụ huynh không thể ngồi yên. Với hàng vạn câu hỏi: Có nên cho trẻ con học chữ trước khi vào lớp 1 không? Liệu không cho con học trước có sợ bị thua kém bạn bè? Đi học trước để biết trước kiến thức hay chỉ để quen nếp học, quen với môi trường mới? Và cứ thế, các vị phụ huynh bị cuốn vào cuộc đua môn học “chữ đẹp” lúc nào không hay.

Chưa kể, một bộ phận phụ huynh có tâm lý muốn con học giỏi, vượt trội hơn các bạn cùng trang lứa, nên dành rất nhiều kỳ vọng và sự đầu tư cho con ngay từ khi còn nhỏ. Các em nhỏ dù chưa vào lớp 1 nhưng đã được bố mẹ sắp xếp dày đặc lịch luyện chữ kín mít.

Bố mẹ tha hồ khoe với bạn bè, họ hàng là con biết nhiều, khôn trước tuổi, chưa đi học đã biết viết. Cùng với việc “tiếng lành đồn xa”, ai cũng muốn con mình không hơn thì cũng phải bằng bạn bằng bè. Vậy nên, các vị phụ huynh thi nhau cho trẻ luyện chữ như cái máy, mà không biết con đi học vì con hay vì niềm hãnh diện của bố mẹ.

Theo quan điểm ngược hoàn toàn, nhiều bố mẹ theo chủ nghĩa tự nhiên, không thúc ép con phải luyện chữ trước khi con vào lớp 1. Với suy nghĩ “sợ mất đi tuổi thơ của con”, “cứ để đến lớp 1 cô giáo sẽ dạy” hay “ngày xưa mình cần gì học trước vẫn vở sạch chữ đẹp đấy thôi”… Vậy nhưng thực tế lại cho thấy kết quả hoàn toàn khác.

Chị T.Hà (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ lại khoảng thời gian khó khăn khi chị chuẩn bị cho cô con gái thứ nhất vào lớp 1: “Giờ nhắc lại vẫn thấy lo lắng em ạ, con gái chị hồi mới đi học đã từng có khoảng thời gian “sợ” đến lớp vì luôn bị cô giáo phê bình vấn đề viết chữ. Em nó cũng xấu hổ với bạn bè vì bạn nào chữ cũng đều tăm tắp rồi mà mình chữ vẫn siêu vẹo. Chị hốt hoảng quá mới hỏi ngay các phụ huynh khác thì mới biết lý do là trước khi bước vào tiểu học, cháu không tham gia các lớp học luyện chữ như hầu hết các bạn đồng trang lứa.”

Có thể thấy, vì mặt bằng chung các phụ huynh đều cho con đi luyện chữ ngay từ tiền lớp 1. Nên những bạn không đi học trước sẽ rất dễ không theo kịp bạn bè trên lớp. Nhiều trường hợp, từ không theo kịp bạn bè, các em tự ti, xấu hổ từ đó sợ học, không muốn đến lớp, bố mẹ xoay xở đủ mọi cách mà không tài nào khiến con “thích học”.

Tuy nhiên muốn cho con luyện chữ là một chuyện nhưng việc luyện thế nào, luyện ở đâu vẫn khiến cho phụ huynh than trời, nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay. Chị T.Thanh (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ khó khăn từ khi Hà Nội đóng cửa tất cả trường học, trung tâm giáo dục là con chị không được đi học chữ.

“Năm ngoái, thấy nhiều phụ huynh than trời dù đã cho con đi học trước 2-3 tháng để nhận mặt chữ nhưng khi vào lớp 1 con và cả gia đình vẫn khủng hoảng vì chương trình nặng, con không theo kịp các bạn. Rút kinh nghiệm từ đó, mình đã cho con đi học tiền lớp 1 trước nửa năm. Trước dịch Covid-19, con đã nhận được mặt chữ, viết được cơ bản. Nhưng từ khi lớp đóng cửa, mình phải tự dạy con ở nhà, ngày nào cũng đánh vật với nhau đến 10 giờ đêm nhưng không hiệu quả, chữ nghĩa cứ bay đi hết”, chị T.Thanh nói.

Không riêng gì chị T.Thanh, đây là nỗi lo chung của hầu hết các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh lựa chọn phương án cho trẻ học tiền lớp 1 để biết trước, không bỡ ngỡ khi vào lớp 1 nhưng vướng dịch nên nhiều bố mẹ phải tự chiến đấu cùng con. Nhất là phần luyện viết, giờ học online suốt không có các cô dìu dắt, uốn nắn trực tiếp mà chỉ bắt chước theo màn hình nên rất khó khăn.

Nhưng tự dạy con học đâu phải chuyện đơn giản, luyện viết đâu không thấy mà chỉ thấy các bậc phụ huynh “mua bực vào người”, than trời vì dạy con khó quá. Luyện nữa luyện mãi, luyện đến “tăng xông” nhưng chữ của con vẫn như gà bới, chữ đi đằng chữ, nét đi đằng nét. Đã vậy còn dạy trước quên sau khiến cho nhiều phụ huynh phải “bó tay”.

Nắm bắt được tâm lý lo lắng đó, trên một số trang mạng xã hội quảng cáo rất nhiều về việc giới thiệu các bộ sách chuẩn bị cho bé vào lớp 1 như: Luyện viết chữ đẹp, Luyện viết,... Lại có những quảng cáo bán các bộ file luyện viết chữ đẹp với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/1,5 tiếng. Vậy nhưng, theo nhiều phụ huynh đánh giá là không hiệu quả, vô bổ. Vì vậy, nhiều phụ huynh chấp nhận trả giá cao mời gia sư đến nhà để luyện chữ cho con.

Thực chất, nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng việc cho con luyện chữ tiền lớp 1 là điều không nên. Sẽ dễ khiến con giảm hứng thú học tập và chủ quan. Nhưng một bộ phận các bậc phụ huynh với mong muốn con “học thông viết thạo” và nỗi lo lắng con bị “đuối” so với bạn bè cùng trang lứa nên vẫn lựa chọn “chạy đua” theo môn học “chữ đẹp”.

Thời đại 4.0: Luyện chữ đẹp có còn cần thiết?

Thời đại 4.0: Luyện chữ đẹp có còn cần thiết?

Thời đại 4.0: Luyện chữ đẹp có thật sự cần thiết?

Luyện chữ là bài học kiến thức cơ bản đầu tiên mà ai cũng phải trải qua. Thế nhưng, ngày nay, khi máy móc hiện đại đang dần thay thế con người, bắt đầu có những ý kiến băn khoăn rằng: “Học sinh có cần rèn chữ đẹp khi chủ yếu gõ chữ bằng máy tính, điện thoại?” hay “Thời đại 4.0: luyện chữ đẹp có thật sự cần thiết?”.

Họ cho rằng môn học này không còn nhiều giá trị, không quyết định đến thành công của đứa trẻ trong tương lai. Không những vậy, việc rèn chữ còn gây nhiều hệ lụy tiêu cực đến sự phát triển của học sinh, tạo thêm sức ép và gây ra tâm lý chán học. Họ cho rằng viết chữ đẹp là không cần thiết, nếu ai muốn viết chữ đẹp nó sẽ trở thành một môn nghệ thuật, khuyến khích chứ không phải yêu cầu bắt buộc của môn học.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc luyện chữ đẹp cho con rất khó khăn nhất là trong đại dịch Covid-19. Anh T.Anh (27 tuổi, TP HCM) chia sẻ: “Giáo viên không thể tự tay rèn cho học sinh từng nét chữ thì rõ ràng việc viết chữ đẹp đối với học sinh tiểu học, nhất là các em lớp 1 là điều không thể. Yêu cầu viết chữ đẹp là một yêu cầu không thực tế, chỉ riêng việc học các môn khác đã khiến các con áp lực rồi, giờ còn phải “vở sạch chữ đẹp” là rất khó”.

Không những thế, cô giáo luôn yêu cầu rất cao về viết chữ, phụ huynh phải dõi theo cô từng dấu móc ngược xuôi vô cùng vất vả khi cùng con học online. Theo chị Linh Anh (Hà Nội), con trai chị tập viết chữ đến mức ngón tay trỏ bị sưng tấy, khi đi khám, bác sỹ chích ra cả xi lanh mủ. Và học online đồng nghĩa cô giáo hướng dẫn, phụ huynh tiếp thu để dạy lại cho con. Nếu con học không tốt, lỗi là ở… phụ huynh!

Tuy nhiên không đồng tình với quan điểm trên, nhiều phụ huynh khẳng định luyện chữ đẹp là vô cùng cần thiết. Mặc dù xã hội đang ngày càng phát triển hiện đại. Con người không cần phải viết tay nhiều như thời xưa. Tuy nhiên, chữ viết vẫn luôn cần thiết trong đời sống hàng ngày. Ai cũng cần phải ghi chép, lưu giữ, trao đổi thông tin bằng tay. Không phải công việc gì cũng cần đến internet, cũng cần gõ tài liệu trên máy tính…

Cô giáo M.Huyền (24 tuổi, giáo viên tiểu học) chia sẻ góc nhìn của mình: “Mình đã được thầy cô, bố mẹ dạy luyện viết chữ đẹp, rõ ràng, mạch lạc ngay từ khi còn nhỏ. Đối với mình tập viết không chỉ đơn giản là một môn học kiến thức, mà nó còn dạy làm người. Nó rèn cho người viết đức tính kiên trì, nhẫn nại. Vì để viết chữ đẹp không hề dễ. Hơn nữa, còn giúp người viết xây dựng thói quen tỉ mỉ, cẩn thận trong từng nét chữ.” M.Huyền cũng cho rằng dù thời gian này việc luyện chữ sẽ khó khăn nhưng nếu bố mẹ sẵn sàng bỏ thời gian đồng hành cùng con thì không gì là không thể.

Lấy dẫn chứng từ bản thân, anh Lâm (25 tuổi, Hà Nội), tâm sự: “Trẻ cần được luyện viết chữ đẹp từ lớp 1, đến khi lên cấp hai, cấp ba viết nhanh còn đọc được. Chứ giờ không luyện, lớn xíu nữa viết còn “xấu hơn chữ bác sĩ”. Tôi là một người viết chữ xấu, nên hiểu được việc viết chữ xấu làm bản thân thiệt thòi, xấu hổ với mọi người đến mức nào. Lên cấp ba, tôi mới bắt đầu luyện viết chữ lại, nhưng thật sự rất khó khăn vì đã quen viết nhanh, viết ẩu, rất mất thời gian”.

Trong cuộc tranh luận này, có lẽ mỗi người đều có ý đúng của riêng mình. Nếu ngày xưa lấy chuẩn mực chữ đẹp làm thước đo con người, nét chữ tạo nên nết người. Thì có lẽ ở thời đại 4.0, điều đó không còn phù hợp nữa. Bố mẹ hãy để trẻ luyện viết chữ đẹp xuất phát từ niềm yêu thích, hứng thú của con chứ không phải vì thành tích. Phụ huynh cần có phương pháp học tập và rèn luyện đúng cách. Tuyệt đối không nên ép buộc hay tạo áp lực lên trẻ. Tuy nhiên, cũng không nên bỏ bê hẳn việc luyện chữ. Không cần chữ đẹp nhưng tổng thể chữ viết dễ nhìn, rõ ràng, mạch lạc vẫn là điều cần thiết, cả trong học tập và cuộc sống.

Ông bà ta thường nói “nét chữ nết người”, nhưng để nét chữ thực sự là nết người, thì hãy để cho chính các em khám phá ra nết người của mình, bằng niềm yêu thích viết chữ đẹp, hay có thể đam mê thành nghệ thuật như thư pháp. Qua năm tháng nết người sẽ hoàn thiện dần, thay đổi khác đi. Hãy để những nét chữ mang cả tâm tình, cảm xúc, bộc lộ nét vui và nỗi niềm khác nữa chứ không chỉ là những dòng chữ đều tăm tắp không cảm xúc…

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...

Lời hẹn ước xúc động của “ông nội” ở Làng Nủ

Thầy Khang chụp ảnh cùng 22 "cháu nội". (Ảnh: Vietnamnet)
(PLVN) -  Trong chuyến hành trình vượt gần 300km đến Làng Nủ (Lào Cai), thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, đã mang theo không chỉ trái tim tràn đầy tình yêu thương mà còn có một lời hẹn ước đặc biệt. Khoảnh khắc gặp gỡ tại ngôi làng mới được tái thiết, không chỉ chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc mà còn mở ra một trang mới trong “cuốn sách cuộc đời ” của 22 đứa trẻ may mắn được ông yêu thương và bảo bọc.