Công tác bảo tồn dù gặp nhiều gian khó…
“Đầu tư cho thiên nhiên chính là đầu tư cho sự bền vững và thịnh vượng lâu dài. Thiên nhiên có thể thiếu con người, song tồn tại của con người và xã hội không thể thiếu thiên nhiên”. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), người đã dành phần lớn cuộc đời mình cống hiến cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
“Những người làm bảo tồn luôn cảm thấy sự an ủi động viên từ nhận thức rằng các đóng góp của mỗi người đều là vì cái chung, cho một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn. Bản thân tôi cho rằng, đây là điều góp phần giữ chân rất nhiều người đang và sẽ theo đuổi các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên và môi trường, dù công việc này khó khăn, ít được trân trọng, ít có các đãi ngộ tốt như nhiều công việc khác. Nhưng người làm bảo tồn vẫn theo đuổi vì thấy được niềm vui, hạnh phúc trong các cống hiến. Con người sẽ ngày càng hiểu rõ và thấy được những giá trị cực kỳ quan trọng của thiên nhiên, từ đó họ sẽ cảm thấy trân quý và trân trọng những người đang ngày đêm bảo vệ, phục hồi và tôn tạo các giá trị đó”, ông Hà nói thêm.
CCD là một trong trong số các đơn vị, tổ chức, cơ quan trên cả nước luôn không ngừng nghỉ góp sức cho công tác phục hồi các loài động, thực vật nguy cấp – vấn đề tương đối kỹ thuật và chưa nhận được nhiều sự quan tâm của đa số, song lại cực kỳ quan trọng với đa dạng sinh học Việt Nam trong bối cảnh thiên nhiên và các loài hoang dã ở nước ta đang tiếp tục suy giảm, nhiều loài đã tuyệt chủng. Đây là một trong những tổ chức tích cực thúc đẩy các chương trình trách nhiệm môi trường từ khối doanh nghiệp thông qua các hoạt động trồng rừng, phục hồi sinh cảnh, như một phần trong nỗ lực xã hội hóa các hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, CCD cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chúng về môi trường và thiên nhiên thông qua các chương trình trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa. Đồng thời, CCD đẩy mạnh việc số hóa và ứng dụng các công cụ mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khu bảo tồn, kết quả tuần tra, bảo vệ; tổ chức các hoạt động tập huấn, phổ biến và hỗ trợ áp dụng công nghệ mới ở một số khu bảo tồn, ban quản lý rừng phòng hộ.
TS. Nguyễn Mạnh Hà và nhóm nghiên cứu của CCD phối hợp với địa phương, DN điều tra, giám sát đa dạng sinh học và đánh giá tác động môi trường. (Ảnh: NVCC) |
Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm, phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, những năm nay, đất nước ta đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ những vấn đề cấp bách này, trong giai đoạn 2016 – 2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn mới. Việt Nam đang là quốc gia tích cực tham gia các hoạt động để góp phần thực thi hiệu quả cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái”.
Để hiện thực hoá những cam kết và mục tiêu này cần tới sự chung tay, góp sức của toàn thể các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, đặc biệt chính là những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người, tổ chức làm công tác bảo tồn.
“Khó khăn lớn nhất đối với công tác bảo tồn luôn là thiếu nguồn lực, gồm cả con người và tài chính. Trên thực tế, số lượng nhân sự làm trong lĩnh vực này không nhiều, và thậm chí còn ngày càng ít đi do thiếu cơ hội việc làm, lương thấp, không có nhiều cơ hội thăng tiến nên nhiều người đã bỏ, chuyển nghề. Bởi vậy, tìm được người tâm huyết, có chuyên môn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng là rất hiếm. ”, TS. Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Ngoài ra, ông Hà cho biết thêm, đối với các tổ chức bảo tồn ở Việt Nam, khó khăn lớn chính là vấn đề kinh phí khi hiện nay các nguồn từ ngân sách vốn đã ít, lại ngày càng khó tiếp cận, đặc biệt đối với các tổ chức phi chính phủ trong nước. Các nguồn từ nước ngoài trong 10 năm trở lại đây cũng trở nên khó khăn do các nhà tài trợ chỉ tập trung tài trợ các dự án lớn và tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế, nên các tổ chức bảo tồn trong nước lại càng ít cơ hội hơn.
Mặt khác, các thủ tục tiếp nhận, phê duyệt theo quy định của Việt Nam rất phức tạp, nên nhiều dự án hỗ trợ nước ngoài khó triển khai. Thêm vào đó, các khó khăn thường cộng hưởng với nhau làm hạn chế các hoạt động cũng như đóng góp tích cực của các tổ chức bảo tồn trong nước với công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung tại Việt Nam.
…Nhưng đó là niềm hạnh phúc trong cống hiến
Tại Phiên họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc năm 2021, Tổng Thư ký António Guterres từng khẳng định “hạnh phúc và thịnh vượng của con người có thể được cải thiện đáng kể bằng cách ưu tiên các giải pháp dựa vào thiên nhiên”. Hay nói cách khác, công tác bảo tồn thiên nhiên góp phần cải thiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, qua đó nâng cao hạnh phúc và đời sống tinh thần của mọi người. Trước hết là chính những người làm công tác bảo tồn, sau đó là những người dân, doanh nghiệp, và các thành phần khác trong xã hội.
Chị Đinh Thị Kim Vân, Điều phối viên Bảo tồn thực vật, đã công tác trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên được gần 6 năm, trong đó hơn 3 năm làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), chia sẻ sự đồng tình với quan điểm này.
“Không chỉ với tôi mà cả với những người làm trong công tác bảo tồn thiên nhiên khác, niềm hạnh phúc lớn nhất sẽ là nhìn thấy hiệu quả của công việc chúng tôi đang thực hiện. Đó là những thay đổi trong nhận thức của cộng đồng, người dân bản địa về bảo vệ rừng và bảo tồn các loài hoang dã; là những cánh rừng, cảnh quan đặc sắc được bảo vệ nguyên vẹn; không còn những con số về khai thác, phá rừng, buôn bán động vật hoang dã xảy ra; và về lâu dài, đó là sự phục hồi và phát triển của các loài động, thực vật tại chính sinh cảnh tự nhiên của chúng”, chị Vân cho biết.
Chị Vân trong một chuyến nghiên cứu về phân bố và tình trạng quần thể Lan hài hê-len tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: NVCC) |
Quả thực, công tác bảo tồn tại Việt Nam vốn luôn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng tình yêu và niềm đam mê với thiên nhiên giúp những người làm bảo tồn vượt qua những khó khăn, thách thức. Với chị Vân, lý do bắt đầu và động lực giúp chị gắn bó với bảo tồn thiên nhiên là niềm yêu thích với các cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên, trong đó là các loài động, thực vật hoang dã. Với tình trạng các cảnh quan tự nhiên hiện nay bị phá hủy nghiêm trọng, sinh cảnh sống của các loài bị thu hẹp, phân mảnh cùng với các tác động khác của con người làm nhiều loài đã tuyệt chủng và có nguy cơ tuyệt chủng cao, hệ sinh thái mất cân bằng, chị nhận thấy rằng công việc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phục hồi các loài và hệ sinh thái là vô cùng quan trọng.
“Đó là trách nhiệm của những người trẻ như chúng tôi. Bởi lẽ, con người và thiên nhiên luôn trong mối quan hệ qua lại không thể tách rời, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học không phải chỉ là bảo vệ các loài và sinh cảnh của chúng, mà đó còn là bảo vệ sức khỏe của trái đất, môi trường sống của chính chúng ta.”, chị Vân khẳng định.