Như vậy là ở nước Mỹ hiện tại, cả lưỡng viện lập pháp lẫn phủ tổng thống và tòa án tối cao đều ở trong sự cương tỏa của Đảng Cộng hòa. Người ta nói kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây, chưa có tổng thống nào ở Mỹ có nhiều uy quyền như ông Trump.
Trên thế giới này, nếu cần bằng chứng thuyết phục nhất về tòa án làm chính trị thì phải nhìn về nước Mỹ, cụ thể là nhìn vào Tòa án tối cao của đất nước này.
Mô hình quyền lực ở đây được gọi là tam quyền phân lập. Trên danh nghĩa thì như vậy, chứ còn trong thực chất thì có tam quyền nhưng không có phân lập. Quốc hội có chức năng lập pháp nhưng tổng thống trong tư cách hành pháp lại có quyền phủ quyết luật.
Tòa án có quyền vô hiệu hóa quyết sách của tổng thống và thậm chí còn định hướng cả cho quốc hội làm luật và tổng thống ban hành, thực thi chính sách. Ở đây, luật tạo ra cái lệ và lệ dụng luật để phục vụ mục đích chính trị. Như hiện tại có thể thấy.
Tòa án tối cao của Mỹ có 9 thành viên. Một khi đã được tổng thống đề cử và thượng viện phê chuẩn, các vị thẩm phán của tòa này làm việc cho tới tận cuối đời. Ở Mỹ, nhiệm kỳ tổng thống chỉ có 4 năm và tổng thống đương nhiệm chỉ được tái ứng cử một lần, tức là một tổng thống cầm quyền liên tục tối đa 8 năm. Một thẩm phán của tòa án tối cao Mỹ nhậm chức ở độ tuổi trung niên có thể đảm trách cương vị này vài thập kỷ và chi phối chính sách của nước Mỹ suốt thời gian dài.
Quy định của luật pháp về đề cử nhân sự cho tòa này và tổ chức, quyền hạn của tòa này rất rõ ràng. Từ đó mới hình thành cái lệ là phe cầm quyền ở Mỹ - cho tới nay tổng thống luôn thuộc Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ - luôn tận dụng cơ hội để thông qua đề cử nhân sự cho tòa mà cài cắm người theo quan điểm chính trị của phe mình để chiếm đa số trong tòa và đảm bảo cho mọi quyết định của tòa này luôn theo định hướng chính sách của phe cánh ấy và có lợi nhất cho họ. Hiện tại lại là một tình huống như thế xảy ra ở Mỹ.
Trước khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ, tương quan trong tòa án tối cao Mỹ là 4 thuộc phe bảo thủ của Đảng Cộng hoà, 4 thuộc phái cấp tiến theo Đảng Dân chủ và một có quan điểm ôn hòa. Một vị thẩm phán đột tử. Người này thuộc phe bảo thủ.
Tổng thống Mỹ khi ấy là Barack Obama, thuộc Đảng Dân chủ, không thể cử người thuộc phe mình thay thế bởi Đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện lập pháp và sẽ không phê chuẩn. Sau khi lên nhậm chức, ông Trump đã đề cử người thuộc phe Đảng Cộng hòa và đã được Thượng viện thông qua.
Mới rồi, một vị thẩm phán 81 tuổi thuộc phía Đảng Dân chủ từ nhiệm vì tuổi cao. Ông Trump cử người thuộc phe mình thay thế và đảm bảo hiện tại đa số thẩm phán trong tòa này đều thuộc phe bảo thủ. Như vậy là ở nước Mỹ hiện tại, cả lưỡng viện lập pháp lẫn phủ tổng thống và tòa án tối cao đều ở trong sự cương tỏa của Đảng Cộng hòa. Người ta nói kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây, chưa có tổng thống nào ở Mỹ có nhiều uy quyền như ông Trump.
Cái lệ này hình thành một cách tự nhiên trong cuộc cọ xát quyền lực giữa hai đảng phái chính trị lớn nhất ở nước Mỹ. Nó sẽ không thể ra đời, tồn tại và phát tác dai dẳng đến nay nếu ở đây có tam quyền phân lập thực sự.
Cho nên có thể nói những người sáng lập nên nước Mỹ ngày nay đã có chủ ý dùng tam quyền phân lập chỉ trên danh nghĩa chứ không phải vì thực chất của nó. Tòa án không độc lập với hành pháp mà trong thực chất phục vụ hành pháp, không phải vô chính trị mà trực tiếp làm chính trị.
Cái lệ này bất thành văn mà ai ai cũng biết và hiểu, không hề bí mật gì mà không thể bị làm gì. Cách thức vận hành của nó không hề bất hợp pháp nhưng kết quả cuối cùng của nó lại không thể được coi là hợp pháp và hợp hiến. Cái lệ này đã làm cho quyền chứ không phải luật trở thành tôn chỉ mục đích cốt lõi của tòa.