Ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội , nói về việc Hà Nội đã làm gì để bình ổn giá và hiệu quả của việc này.
UBND TP.Hà Nội đã quyết định tạm ứng 400 tỷ đồng cho 14 DN, với 396 điểm đăng ký bình ổn giá để thực hiện dự trữ 9 nhóm hàng thiết yếu, gồm: gạo trắng thường, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thuỷ-hải sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ.
Các điểm bán hàng bình ổn giá không chỉ đặt tại hệ thống siêu thị, cửa hàng mà còn có mặt ở các chợ dân sinh, chợ các huyện ngoại thành, trong đó có 112 điểm bán hàng lưu động khi thị trường xảy ra biến động về giá để mọi người dân đều được hưởng chương trình bình ổn giá. Giá bán các mặt hàng bình ổn giá phải được Sở Tài chính, Sở Công Thương thẩm định, đảm bảo theo nguyên tắc bán thấp hơn giá trị trường tối thiểu 10% khi có biến động bất thường về giá.
- Thời gian vừa qua, hàng bình ổn cũng lên giá, thậm chí một số nơi còn bán đắt hơn cả chợ cóc, vỉa hè. Ông bình luận thế nào về tình trạng này?
- Giá cả tăng cao trong thời gian qua vì rất nhiều nguyên nhân: giá gas, xăng dầu, điện … giá vàng tăng làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Chúng tôi đã có cuộc thị sát tại một số chợ đầu mối về rau xanh, như chợ Long Biên và Hoàng Mai… giá tại các chợ đầu mối vẫn bình thường, nhưng khi về các chợ cóc, chợ con, thì các tiểu thương tự nâng giá. Còn ở các điểm bình ổn, do chi phí vận chuyển tăng, các chi phí khác cũng tăng, do nhà cung cấp tăng giá, buộc họ cũng phải tăng thôi. Chúng ta không thể cố giữ mãi một giá được mà phụ thuộc quy luật của thị trường.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn có giám sát, cụ thể nhận định đánh giá đúng tình hình thị trường, để có can thiệt kịp thời, tránh đầu cơ, gây sốt hàng, tăng giá đột biến.
Hơn nữa, số tiền các DN được tạm ứng để tham gia bình ổn mới chỉ đáp ứng được 10% so với nhu cầu. Vì thực tế họ phải quay vòng vốn tới 10 lần, hoặc phải cần số vốn gấp 10 lần như thế mới chủ động được nguồn hàng. Đơn cử, hiện ở Hà Nội mỗi tháng chúng ta tiêu thụ hết 65 nghìn tấn thịt lợn/tháng. Song với nguồn vốn hỗ trợ, các daonh nghiệp chỉ dự trữ được hơn 6 nghìn tấn/tháng. Còn nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, thì không khan hiếm. Chỉ đôi khi, hết hàng trong một thời gian rất ngắn, tại một địa điểm nào đó thôi.
- Nhưng liệu Tết này các DN tham gia bình ổn có đảm bảo không tăng giá các mặt hàng này?
- Thực ra, do tâm lý người bán hàng buôn bán quanh năm mong có ngày Tết, nên cho dù không thiếu hàng cũng cứ tăng một chút. Còn người mua biết đắt một chút xong ai cũng tặc lưỡi chấp nhận. Bởi vì, ai cũng muốn mua các mặt hàng tươi ngon nên giá cả nhỉnh một chút. Đơn cử, mặt hàng rau sạch cả thành phố chỉ có vài xã trồng rau sạch như Dương Nội (Đông Anh), Vân Côn (Hoài Đức)… nhưng ai cũng có nhu cầu mua rau sạch, nên giá cả đội lên một chút.
- Theo ông, tại sao năm nào cũng chỉ một số DN nhất định được chọn để tham gia bình ổn giá? Tiêu chí để lựa chọn là gì và cơ chế giám sát các doanh nghiệp này như thế nào?
- Thực ra, các DN này được lựa chọn dựa trên các tiêu chí quy mô, tiềm lực kinh tế, khả năng kinh doanh có địa điểm kinh doanh, có kho chứa hàng, và đặc biệt có khả năng trả nợ đúng hạn... Đơn cử, Tcty Lương thực Miền Bắc tham gia bình ổn mặt hàng gạo, Công ty Việt Hưng thì tham gia bình ổn thịt gia súc…
Việc kiểm tra giám phải tuân theo quy trình. Sau khi DN được tạm ứng vốn, Sở Công thương và Sở Tài Chính sẽ đi kiểm tra hóa đơn, hợp đồng của DN mua bán với ai, tổ chức nào về mặt hàng gì, rồi vào các kho hàng kiểm tra. Cuối cùng, chúng tôi kiểm tra xem quầy hàng, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại … của DN đó có thực được bày bán đầy đủ các mặt hàng hay không.
Hàng tháng các DN này đều phải báo cáo với Sở Công thương, Chi cục quản lý thị trường đi kiểm tra thường xuyên. Nếu DN nào tự ý nâng giá, nhẹ thì bị nhắc nhở, xử phạt, nặng thì sẽ bị thu hồi vốn, điều chuyển cho DN khác.
- Xin cảm ơn ông
Mai Hoa (Thực hiện)