Phát sinh vướng mắc trong một số trường hợp
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập được quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 59/2018/NĐ-CP) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Tuy nhiên, quy định hiện nay phát sinh một số vướng mắc.
Cụ thể, đối với nhóm hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập quy định tại Nghị định số 08 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59) chỉ quy định thời hạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập phải đăng ký với cơ quan Hải quan, không quy định việc gia hạn thời hạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập (riêng Điều 50, Điều 55a có quy định gia hạn), trong thực tế thì các hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập khác còn lại cũng phát sinh việc gia hạn theo nhu cầu công việc và có thỏa thuận với phía nước ngoài.
Ngoài ra, đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất để phục vụ công việc trong thời gian nhất định (gồm trường hợp để thi đấu thể thao), người khai hải quan phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi hàng nhập khẩu về.
Nhưng hàng hóa cần đưa về các địa điểm, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao để thực hiện thủ tục; việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu hàng hóa không thực sự thuận lợi ảnh hưởng đến công tác tổ chức của đơn vị tổ chức sự kiện và quản lý hải quan. Chẳng hạn như hàng hóa tạm nhập cho giải đua F1, hiện các quốc gia tổ chức F1 đều đưa hàng hóa về nơi tổ chức sự kiện để thông quan hàng hóa.
Vì vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08 sẽ bổ sung quy định về thời gian gia hạn và thủ tục gia hạn đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất. Theo đó, Điều 52 về thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng, vật dụng tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài, tàu biển tàu bay nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam quy định: Thời hạn tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập thực hiện theo hợp đồng cung ứng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và đăng ký với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.
Trường hợp cần gia hạn thời hạn tạm nhập, tạm xuất theo thỏa thuận với bên đối tác thì người khai hải quan thực hiện khai bổ sung tờ khai hải quan theo quy định của Bộ Tài chính và nộp 1 bản chụp văn bản thỏa thuận với đối tác nước ngoài về việc gia hạn thời hạn tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập.
Hay tại Điều 54 về hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định quy định: Thời hạn tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập theo thời hạn thực tế phát sinh công việc và phải đăng ký với cơ quan Hải quan. Trường hợp cần gia hạn thời hạn tạm nhập, tạm xuất thì người khai hải quan thực hiện khai bổ sung tờ khai hải quan theo quy định của Bộ Tài chính và nộp 1 bản chụp văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc kéo dài thời hạn phát sinh công việc.
Cân nhắc cho phép doanh nghiệp lựa chọn thời gian tái xuất
Mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản góp ý đã phân tích: Điều 1.29 dự thảo Nghị định (sửa đổi Điều 47.5 Nghị định 08) quy định thời gian tạm nhập để sửa chữa, tái chế xong đó tái xuất là không quá 12 tháng, trừ trường hợp thời gian đặc thù theo quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này cần xem xét lại vì quy định thời hạn dường như không cần thiết và chưa rõ mục đích quản lý.
Trước đây, việc quy định thời hạn là nhằm đảm bảo phù hợp với quy định về thời hạn nộp thuế với hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định 149/2005/NĐ-CP. Tuy nhiên, Điều 16.9.c Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016 đã đưa hàng hóa này thuộc diện miễn thuế. Để được miễn thuế, doanh nghiệp phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc giấy nộp tiền đặt cọc vào tài khoản của cơ quan Hải quan theo quy định tại Điều 13.4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Như vậy, kể cả trường hợp doanh nghiệp có trì hoãn thời gian tái xuất hàng hóa, cơ quan Hải quan vẫn có sự đảm bảo số tiền thuế nhập khẩu doanh nghiệp phải nộp.
Bên cạnh đó, việc quy định thời hạn 12 tháng, theo phản ánh của doanh nghiệp, là tương đối ngắn với nhiều lô hàng tái nhập để tái chế có tính chất phức tạp và/hoặc số lượng lớn. Mặc dù dự thảo đã cho phép kéo dài thời gian, thủ tục để xin phép lại chưa minh bạch và không rõ ràng khi giao hết thẩm quyền quyết định cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan mà không có tiêu chí xác định nào. Hơn nữa, việc quản lý hàng tạm nhập tái xuất có thể được quản lý thông qua hậu kiểm bằng cách cho doanh nghiệp đăng ký thời hạn tạm nhập tái xuất với cơ quan Hải quan.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng không hạn chế thời gian tái xuất với hàng hóa tái nhập để tái chế, doanh nghiệp có thể tùy ý lựa chọn thời gian tái xuất để đăng ký với cơ quan Hải quan. Nếu không, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi thời gian tạm nhập tái xuất dài hơn với trường hợp này, có thể là 24 tháng.