Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định chính xác độ tuổi của họ nhằm áp dụng đúng các quy định tại Điều 303 BLTTHS. Đối với các trường hợp bị bắt quả tang, bắt khẩn cấp thì sau khi bắt, cơ quan tiến hành tố tụng phải khẩn trương xác minh độ tuổi của họ để có quyết định xử lý phù hợp. Trước khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 303 BLTTHS, cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét, cân nhắc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác quy định tại các Điều 91, 92 và 93 BLTTHS.
Đối với người chưa thành niên đã áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và khi xét thấy không còn cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn đó thì kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế bằng các biện pháp ngăn chặn khác không hạn chế tự do đối với họ.
Khi bắt giữa người chưa thành niên phạm tội, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng vũ lực thì việc sử dụng vũ lực phải theo đúng quy định của pháp luật và chỉ ở mức độ đủ để kiểm soát người chưa thành niên phạm tội.
Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng cần hạn chế việc gia hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam.
Người chưa thành niên phải được tạm giữ, tạm giam riêng, không được giam giữ chung với người đã thành niên. Khi xét thấy người chưa thành niên phạm tội có biểu hiện hoang mang, lo lắng có thể manh động dẫn đến có hành vi tiêu cực thì cơ quan điều tra yêu cầu cơ sở giam giữ áp dụng các biện pháp phù hợp để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Chế độ tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội phải được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội phải thông báo bằng văn bản cho gia đình, người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 3 Điều 303 BLTTHS.
Thông tư liên tịch này cũng nêu rõ, bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bào chữa viên nhân dân.
Khi giao quyết định tạm giữ hoặc quyết định khởi tố bị can, cơ quan ra quyết định phải thông báo cho người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ về quyền có người bào chữa.
Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa theo quy định của pháp luật hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hơp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình, trừ trường hợp người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải đề nghị Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo là trẻ em không nơi nương tựa và có thể đề nghị trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên khác.