Chiếm 70% dân số, 40 % lao động của cả nước song khu vực nông nghiệp- nông thôn dường như vẫn là khoảng trống trong Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH 2011- 2020… Các nhà khoa học (NKH) vừa có ý kiến đóng góp vào Dự thảo Chiến lược phát triển KT- XH Việt Nam 2011- 2020 do Liên hiệp các Hội KH& KT Việt Nam tổ chức hôm 26/10 vừa qua…
"Ham" tăng trưởng
Đó là đánh giá của GS.TSKH Nguyễn Quang Thái- Hội Khoa học Kinh tế VN. Theo ông Thái, đây là lần thứ ba chúng ta “làm” chiến lược (Chiến lược 1991- 2000, Chiến lược 2001- 2010 và Chiến lược 2010- 2020). Mô hình tăng trưởng cũng thay đổi qua các thời kỳ, từ tăng trưởng “bền vững” đến tăng trưởng “nhanh và bền vững”. “Đã nhanh thì làm sao bền vững, có phát triển bền vững thì mới nhanh?” - ông Thái bình luận.
Điều lạ là muốn có tăng trưởng, Việt Nam lại tăng vốn đầu tư, trong khi cốt lõi của tăng trưởng là khoa học công nghệ (KHCN), năng suất lao động. “Chúng ta là nước đi sau nên có nhiều lợi thế trong điều kiện hội nhập và các mạng KHCN mới, đặc biệt thị trường lao động và thị tường tiêu thụ lớn lại ở vị trí đắc địa, trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có bờ biển hơn 3.000 km. Thế nhưng mô hình tăng tưởng lại thiên về quảng canh, khai thác tài nguyên và dựa nhiều vào đầu tư, nên hiệu quả kém và thiếu bền vững..” - ông Thái phát biểu.
Theo ông Thái, mô hình này có thể nói đã gần như tận khai: dựa nhiều vào vốn; khai thác tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường; không dựa mạnh vào KHCN, mà dựa vào gia công, ít tham gia vào mạng lưới toàn cầu.
PGS- TS Đinh Văn Nhã, Hội Tự động VN kể lại chuyện ông đi dự khởi công Dự án Nhà máy thép Thạch Khê - “Người ta đào đất xuất đi Singapore mà không biết trong đó có những vi khoảng gì. Xót xa lắm. Trong điều kiện KHCN chưa phát triển, chưa có điều kiện khai thác hiệu quả thì nên khai thác nhân tố nhân lực, vốn là thế mạnh của Việt Nam. “Ưu iên số 1 là chiến lược phát triển con người, chứ không phải cứ nói bao nhiêu phần trăm lao động qua đào tạo là tự nhiên có, chưa kể rất nhiều NKH hiện nay không biết làm gì..” - ông Nhã phát biểu.
Nông nghiệp, nông thôn - tiềm năng chưa khai thác hết
“Vấn đề là chúng ta phải định vị được chúng ta đang ngồi đâu, đâu là thế mạnh, hạn chế yếu kém nào cần khắc phục” - TS. Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển đặt vấn đề. Theo ông Ninh, thế mạnh của VN là nông nghiệp, phải dựa vào thế mạnh là nông nghiệp và công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp. Một ví dụ được ông Ninh đưa ra là vùng chè khu vực Hoàng Liên Sơn, trước đây bà con trồng chè chỉ bán được 2.500 đồng/kg, nay đầu tư KHCN vào giá đã lên 16.000 đồng/kg, mà không phải thuốc trừ sâu, phân bón gì. Trên thế giới, Hà Lan cũng là nước được biết đến với hoa Tulip, Bungari là đất nước của hoa hồng.., họ cũng dựa vào thế mạnh của nước nông nghiệp. “Chúng ta phải đột phá ở lĩnh vực chiếm 70% dân số và 40% lao động này..”- ông Ninh khẳng định.
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái thì trong khi nhiều ngành công nghiệp được che chắn thì ngành nông nghiệp có lợi thế tuyệt đối lại gần như “mở toang”, nhất là sau WTO. Đặc biệt, khu vực nông nhiệp, nông thôn vẫn còn nhiều bức xúc, nhất là tình trạng tái nghèo, an ninh lương thực.., trước các diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu…
Có hai vần đề mà các NKH đặc biệt quan tâm, đó là chất lượng nguồn nhân lực và vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. “Hiện nay chỉ có dưới 30% lao động qua đào tạo, dự thảo chiến lược đặt ra mục tiêu 50% lao động qua đào tạo, thế nhưng làm thế nào để ra con số đó lại là vẫn đề, bởi không phái tăng thêm mấy triệu lao động qua đào tạo đâu, mà cả lao động tay thế nữa…”- ông Thái nói. Đây là một trong những tiêu chí được các NKH cho là khó thực hiện được vì hiếu tính cụ thể.
Tiêu chí về môi trường, biến đổi khí hậu cũng là tiêu chí được đề cập khá mờ nhạt trong Dự thảo trong khi đây là vấn đề dược nhiều NKH đánh giá là “cực kỳ nghiêm trọng”. Một ví dụ được TS Nguyễn Hữu Ninh đưa ra là Dự thảo đặt ra mục tiêu trồng rừng, nhưng không cụ thể từng loại rừng là bao nhiêu. “Chẳng lẽ rừng mới trồng cũng tính vào diện tích trồng rừng? Phải là rừng trồng bao nhiêu năm thì mới có tác dụng chắn bão…”- ông Ninh phân tích. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng đặc biệt nghiêm trọng bởi chỉ cần 1 trận bão lũ thì xóa sạch hết các thành quả, biến người cận nghèo thành người nghèo . “Thực ra trận bão lũ miền Trung vừa rồi không phải không dự báo được, bởi sau El Nino bao giờ cũng là La Nina, mà đặc điểm của La Nina là bão lớn và lũ lụt rất nhiều..”- ông Khải phát biểu.
PGS.TS Nguyễn Huy Khải cho rằng Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH 2011- 2020 vẫn được xây dựng trên nền tảng Cương lĩnh 1991, nên không tránh được những hạn chế cũng là điều dễ hiểu. Theo ông Khải, cần phải sửa đổi Cương lĩnh 1991 trước khi nói đến việc xây dựng Chiến lược…
THANH LAN