Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Quyết cho biết: Trong những năm qua, Hải Phòng và các tỉnh, thành khác trong cả nước đã tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật, góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Ngày 28/9/2021, UBND TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó, 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo phù hợp tình hình thực tế với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.
Là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật 9/11, việc tổ chức hội thảo không chỉ nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật mà còn làm sáng tỏ các vấn đề lý luận thực tiễn, các giá trị khoa học của Hiến pháp trong đời sống xã hội hiện nay.
Quang cảnh hội thảo. |
Hội thảo nhận được 36 bản tham luận của các cán bộ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, cơ quan công an, TAND, VKSND… và đặc biệt có 5 tham luận của các nhà khoa học Trung ương. Mọi ý kiến và phát biểu đều hướng tới 3 nội dung chính: giá trị cơ bản của Hiến pháp năm 1946 và sự tiếp nối qua các bản Hiến pháp; những khó khăn, vướng mắc và vấn đề đặt ra trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật hiện nay ở các lĩnh vực; cách triển khai Ngày pháp luật ở các địa phương.
Tại hội thảo, Hiệu trưởng trường chính trị Tô Hiệu Nguyễn Kim Pha khẳng định, hội thảo là một dịp sinh hoạt chính trị nhằm ôn lại sự ra đời và phát triển của nền lập hiến Việt Nam; nhìn lại quá trình hình thành, vận động và hoàn thiện của pháp luật Việt Nam trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước.
Hội thảo cũng là diễn đàn sinh hoạt chuyên môn để những người nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, những người làm công tác thực tiễn về pháp luật trao đổi, thảo luận một số vấn đề đặt ra đối với xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật trong điều kiện hiện nay. Thông qua đó, đối với các thầy cô, giảng viên Trường chính trị Tô Hiệu có thể vận dụng trong nghiên cứu, giảng dạy chương trình đào tạo, bồi dưỡng phân cấp.
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời, đánh dấu thắng lợi lịch sử vẻ vang của Cách mạng tháng Tám, xác lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm Cách mạng XHCN. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, 75 năm qua, bản Hiến pháp năm 1946 vẫn vẹn nguyên giá trị là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ và mẫu mực trên nhiều phương diện.